BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC TRỒNG TRỌT
HỎI - ĐÁP VỀ T
HỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP TỐT
GAP
Biên
soạn: Phạm Văn Dư
Nguyễn
Mạnh Chinh
NHÀ XUẤT
BẢN NÔNG NGHIỆP
TP. Hồ Chí Minh -
2011
________________________________________________________________
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. G.A.P là gì?
2. Lịch sử hình thành
và phát triển GAP như thế nào?
3. GAP nhằm đạt được
những mục tiêu gì?
4. GAP yêu cầu những
vấn đề gì khi thực hiện?
5. GAP dề ra những
tiêu chuẩn gì về vệ sinh an toàn thực phẩm?
6. Tại sao phải áp
dụng GAP?
7. Xin nói rõ thêm về
các yếu tố thường gây ô nhiễm cho rau, quả cần chú ý?
8. Nội dung của GAP
do GLOBALGAP đưa ra gồm những nội dung gì?
9. Trước
hết xin cho biết ý nghĩa của việc truy nguyên nguồn gốc?
10. Để duy trì được
truy nguyên nguồn gốc sản xuất, GAP yêu cầu thực hiện những việc gì?
11. Tại sao phải lưu
giữ hồ sơ và thực hiện việc kiểm tra nội bộ?
12. Trong việc kiểm
tra nội bộ và lưu giữ hồ sơ, GAP yêu cầu thực hiện những việc gì?
13. Nông dân và trang
trại cần chú ý gì khi thực hiện nội dung này?
14. Giống cây có vai
trò như thế nào trong thực hiện qui trình
GAP?
15. GAP yêu cầu những
gì về giống cây?
16. Nông dân cần chú ý những gì khi sử dụng giống theo
GAP?
17. Tại sao phải nắm rõ lịch sử vùng đất khi thực hiện
GAP?
18. Về lịch sử vùng đất trồng trọt, GAP yêu cầu nắm
những tiêu chí gì?
19. Cần chú ý những gì trong việc điều tra lịch sử
vùng đất?
20. Về nội dung thứ 5 là quản lý và sử dụng đất trồng,
GAP yêu cầu thực hiện như thế nào?
21. Vai trò của phân bón trong thực hiện GAP như thế
nào?
22. Trong việc bón phân, GAP yêu cầu những vấn đề gì?
23. Thực hiện các yêu cầu về bón phân theo GAP cần chú
ý những vấn đề gì?
24. Việc tưới tiêu nước có thể làm ô nhiễm
rau quả như thế nào?
25. GAP yêu cầu những gì về nguồn nước tưới?
26. Cần chú ý những gì khi thực hiện tưới tiêu theo GAP?
27. Ý nghĩa, vai trò của biện pháp bảo vệ
thực vật trong việc thực hiện GAP như thế nào?
28. Trong nội dung về bảo vệ thực vật, GAP yêu cầu
thực hiện những vấn đề gì?
29. Còn các tiêu chí thứ yếu và những đề nghị về bảo
vệ thực vật là gì?
30. Khi thực hiện công việc bảo vệ thực vật theo GAP
cần chú ý những gì?
31. Vai trò của khâu thu hoạch trong GAP như thế nào?
32. Các biện pháp cần thực hiện trong khi thu hoạch
theo GAP là gì?
33. Vận hành sản phẩm gồm các khâu gì và có vai trò
như thế nào trong thực hiện GAP?
34.
Trong các khâu đóng gói, bảo quản và vận chuyển rau,
quả, GAP yêu cầu thực hiện những vấn đề gì?
35. Khi đống gói, bảo quản và vận chuyển sản phẩm cần
chú ý những vấn đề gì để thực hiện được các tiêu chí do GAP đề ra?
36. Trong thực hiện GAP, vai trò của việc quản lý chất
thải ô nhiễm và các công việc cần làm là gì?
37. Tại sao phải đưa nội dung về sức khỏe và an sinh
xã hội của người lao động trong việc thực hiện GAP?
38. Vậy trong việc chăm sóc người lao động, GAP đề ra
những yêu cầu gì?
39. Về phía người lao động cần chú ý những gì trong
việc bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động khi thực hiện GAP?
40.Môi trường có ý nghĩa
như thế nào trong việc thực hiện GAP?
41. GAP đề ra
những tiêu chí gì cần để bảo vệ môi trường?
42.
Tại sao GAP đề ra nội dung khiếu nại và để thực hiện
khiếu nại cần làm gì?
43.
Để kiểm soát việc thực hiện các nội dung, GAP đề ra
những biện pháp gì?
44.
Các điểm giống
và khác nhau giữa việc áp dụng GAP với sản xuất rau quả an toàn và quản lý dịch
hại tổng hợp IPM là gì?
45.
Có gì khác nhau giữa EUREPGAP, GLOBALGAP và VietGAP?
46.
Những chi tiết có thay đổi của VietGAP là gì?
47.
Quá trình đăng ký và thực hiện GAP tiến hành như thế
nào?
48.
Nhiệm vụ của người nông dân trong việc thực hiện GAP
là gì?
49.
Trong việc thực hiện GAP, sự liên kết giữa nhà nông,
nhà khoa học và doanh nghiệp có vai trò như thế nào?
50.
Nhà nước giữ vai trò như thế nào trong việc thực hiện
GAP?
51.
Khả năng và triển vọng áp dụng GAP ở nước ta như thế nào?
52.
Kết quả và kinh nghiệm áp dụng GAP ở các nước khác như thế nào?
Phụ lục 1: Mẫu ghi chép
Phụ lục 2 : Bản hợp đồng sản xuất và tiêu thụ thanh
long theo GAP
Phụ lục 3: Thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học sử dụng
cho rau quả an toàn
Phụ lục 4: Xác định độ chín thu hoạch cho một số loại quả
TÀI LIỆU THAM KHẢO
________________________________________________________________________
LỜI NÓI ĐẦU
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một trong những mối quan tâm
hàng đầu của toàn nhân loại. Xuất phát từ nhu cầu bức thiết này, những năm 1990s
Tổ chức các nhà bán lẻ châu Âu (EUREP), đưa ra các tiêu chuẩn cho việc đánh giá
thực hành nông nghiệp tốt, viết tắt theo tiếng Anh là GAP, nhằm cung cấp những
thực phẩm có chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng. Với mục tiêu tốt
đẹp này, GAP nhanh chóng được dư luận toàn thế giới hưởng ứng. Trên cơ sở các
nội dung và tiêu chí chất lượng của GAP do EUREP đưa ra (gọi là EUREPGAP),
nhiều nước đã xây dựng tiêu chuẩn GAP áp dụng cho nước mình, vừa đảm bảo yêu
cầu chung của thế giới, vừa phù hợp với điều kiện riêng của mỗi nước. Vì vậy,
EUREPGAP đã mang tính chất toàn cầu cho nên tháng 09 năm 2007, hội nghị quốc tế
lần thứ 8 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) đổi tên thành GLOBALGAP, như vậy GAP
áp dụng cho cả thế giới.
Nhằm
nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh cho các sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh
quá trình hội nhập quốc tế, nước ta cũng đã xây dựng qui trình thực hiện GAP và
gọi là qui trình VietGAP. Hiện tại đã ban hành qui trình VietGAP cho rau, quả,
chè, lúa và sau đó sẽ tiếp tục cho các sản phẩm khác kể cả sản phẩm chăn nuôi
và thủy sản. Tuy vậy, GAP yêu cầu một trình độ kỹ thuật và tổ chức quản lý
tương đối cao, nhưng trước hết vẫn là sự nâng cao hiểu biết
cho nông dân, chủ thể của sản xuất, đổi mới nhận thức và cách làm cho mỗi
người. Đây là điều kiện quyết định cho việc
mở rộng áp dụng GAP thành công.
Chúng
tôi biên soạn cuốn sách nhỏ này nhằm giúp bà con nông dân và bạn đọc có những
hiểu biết cơ bản về GAP để từ đó biết cách áp dụng GAP, một xu thế tất yếu của
nền nông nghiệp nước ta cũng như mỗi người nông dân phải tiến tới. Chúng tôi hy
vọng cuốn sách sẽ được nhiều bà con đón đọc và góp ý về những điểm cần chỉnh
lý, bổ sung để lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.
Xin
chân thành cảm ơn.
PGS-TS. PHẠM VĂN DƯ
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt
______________________________________________________________
1. Hỏi: GAP là gì?
Đáp: GAP
là viết tắt của các từ tiếng anh “Good Agriculture Practies” dịch ra tiếng Việt có nghĩa
là “Thực hành nông nghiệp tốt”.
Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực
phẩm cho người tiêu dùng, năm 1997 Tổ chức các nhà bán lẻ châu Âu (Euro-Retailer
Produce Working Group, viết tắt là EUREP) đề ra các tiêu chuẩn trong sản xuất
và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, trước hết là rau và quả, gọi là
thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Các tiêu chuẩn GAP do EUREP đưa ra gọi là
EUREPGAP. Sau khi các tiêu chuẩn chất lượng do EUREP công bố đã nhanh chóng
được nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia chấp nhận, được coi là tiêu chuẩn
chung áp dụng cho toàn thế giới. Sau đó, để thích hợp với các điều kiện tự
nhiên và xã hội, thuận lợi cho việc áp dụng, một số vùng và quốc gia đã xây
dựng các tiêu chuẩn GAP riêng. Tuy vậy, các tiêu chuẩn GAP này đều dựa vào các
tiêu chuẩn của EUREPGAP, bởi EUREPGAP đã khá đầy đủ và chặt chẽ, phản ảnh được
nhu cầu và khả năng của các quốc gia trong điều kiện hội nhập toàn cầu.
Các tiêu chuẩn và nội dung thực
hiện GAP có thể áp dụng với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, trước hết với rau
quả tươi và các sản phẩm được tiêu thụ nhiều và dễ bị mất an toàn. Gần đây, các
tiêu chuẩn của GAP còn được mở rộng áp dụng cho các sản phẩm chăn nuôi và thủy
sản.
2. Hỏi: Lịch sử hình thành và phát triển
GAP như thế nào?
Đáp: Khởi đầu là một sáng kiến của Tổ chức các nhà bán lẻ
châu Âu (EUREP) vào năm 1997. Trước tình trạng các sản phẩm rau quả ngày càng
bị ô nhiễm và nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi phải được cung cấp các sản
phẩm sạch và an toàn, những nhà bán lẻ ở các nước châu Âu cùng thống nhất đề ra
các tiêu chuẩn sản xuất và các biện pháp kiểm soát sự an toàn của các sản phẩm
rau, quả tiêu thụ trên thị trường châu Âu, nhất là các sản phẩm nhập khẩu. Các
tiêu chuẩn này gọi là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Các tiêu
chuẩn GAP do EUREP đưa ra gọi là EUREPGAP.
Sau khoảng thời gian tranh luận
và điều chỉnh kéo dài đến 3 năm, đến năm 1997 các tiêu chuẩn này đã được nhất
trí của 214 thành viên trong tổ chức các nhà bán lẻ châu Âu và được các tổ chức
quốc tế công nhận. Từ đó hàng năm EUREP đều tổ chức hội nghị đánh giá việc thực
hiện GAP, qua đó tiếp tục điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Các hội nghị này đều
có đại biểu nhiều nước tham dự. Tháng 1 năm 2001 các thành viên EUREP quyết
định thành lập ủy ban tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật về rau quả, ủy ban này
có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên các tài liệu về GAP và phương thức điều
hành của EUREP. Ủy ban này gồm đại diện các nhà buôn bán lẻ, các trang trai,
nông dân và các nhóm dịch vụ. Ủy ban đã làm việc và ký kết với nhiều nước đưa EUREPGAP
thành hệ thống chứng nhận chất lượng rau, quả. Từ đó EUREPGAP đã được nhiều
nước chấp nhận thực hiện và giữ vai trò quan trọng về tiêu chuẩn đánh giá chất
lượng các sản phẩm rau, quả trên toàn cầu, được coi là tiêu chuẩn có tính quốc
tế. Các sản phẩm rau, quả được chứng nhận EUREPGAP có thể tiêu thụ không những
ở các nước châu Âu mà còn trên toàn thế giới. Vì vậy, vào tháng 9 năm 2007 EUREPGAP
đã đổi tên thành GLOBALGAP, có nghĩa là tiêu chuẩn GAP áp dụng cho toàn cầu.
Một số khu vực và quốc gia đã dựa
trên các nội dung tiêu chuẩn và phương thức tiến hành của EUREPGAP để xây dựng
các tiêu chuẩn GAP cho khu vực và nước mình. Các nước trong tổ chức Đông Nam Á
(ASEAN) có AseanGAP. Thái Lan có ThaiGAP với chứng chỉ “Q” về chất lượng và an
toàn thực phẩm (nên còn gọi là Q-GAP). Singapore có GAP-F, Indonesia có
IndoGAP, Malaysia có MalaysiaGAP dựa trên hệ thống chứng nhận SALM cho các
trang trại và sản phẩm đã thực hiện GAP, Trung Quốc có ChinaGAP, Nhật Bản có
JapanGAP, Ấn Độ có IndiaGAP v.v...
Ở nước ta năm 2008 Bộ Nông nghiệp
và PTNT đã chính thức ban hành qui trình thực hiện GAP với tên gọi là VietGAP,
áp dụng cho rau, quả tươi và chè. Hiện nay qui trình thực hành nông nghiệp tốt
(VietGAP) cho lúa cũng đã chính thức được ban hành tháng 11 năm 2010, sau đó là
với nhiều sản phẩm khác trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Tóm lại, xuất phát từ nhu cầu bức
thiết của mọi người là phải được sử dụng những thực phẩm sạch và an toàn, tổ
chức EUREP đã đưa ra các tiêu chuẩn GAP và sau đó đã được các tổ chức quốc tế
và nhiều quốc gia hưởng ứng. Tới nay GAP đã thành xu thế toàn cầu. Trong quá
trình tăng cường hội nhập quốc tế, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện qui
trình VietGAP, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
3. Hỏi: GAP nhằm đạt được những mục tiêu gì?
Đáp: GAP
nhằm vào các mục tiêu cơ bản là:
a. Đảm
bảo chất lượng và an toàn vệ sinh cho sản phẩm: đây là mục tiêu cơ bản nhất của
GAP. Để thực hiện mục tiêu này, GAP đề ra nhiều tiêu chuẩn và biện pháp đòi hỏi
người sản xuất và nhà cung ứng phải thực hiện để đảm bảo rằng sản phẩm đến tay
người tiêu dùng là sạch sẽ và an toàn, người tiêu dùng có thể an tâm với sản
phẩm mình đã mua. Những tiêu chuẩn và biện pháp này phải thực hiện trong suốt
quá trình từ khi bắt đầu gieo trồng đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng,
có thể gọi là quá trình “từ đồng ruộng đến bàn ăn”.
b. Kiểm
soát được các biện pháp đã thực hiện: GAP không dừng lại ở việc hướng dẫn và
khuyến
cáo mà còn nhằm mục tiêu phải kiểm soát được việc thực hiện các biện pháp đó.
GAP đề ra một hệ thống tổ chức và biện pháp để có thể kiểm soát được toàn bộ
quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm. Nếu không kiểm soát được thì sản phẩm
khi lưu hành trên thị trường làm sao biết là sản phẩm an toàn để người tiêu
dùng tin tưởng sử dụng. Biện pháp kiểm soát đề ra chặt chẽ buộc người sản xuất
phải tuân thủ các qui trình để thị trường chấp nhận sản phẩm của họ.
c. Truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm: trong quá
trình thực hiện GAP có những nội dung người sản xuất phải tuân theo để khi sản phẩm
phát hiện có vấn đề thì có thể tìm được tới đúng địa chỉ đã sản xuất ra nó. Qua
đó sẽ biết rõ độ nguy hiểm và có biện pháp khắc phục thích hợp, có hiệu quả. Do
vậy, người sản xuất phải có “sổ tay ghi chép” công việc hàng ngày hay “nhật ký
đồng ruộng”.
d. Giữ gìn và tái tạo các nguồn
tài nguyên và nhân lực phục vụ sản xuất bền vững: tài nguyên và nhân lực bao
gồm độ màu mỡ của đất trồng, sự đa dạng sinh học, sức khỏe người lao động và
môi trường. Thực hiện GAP không được làm suy thoái mà ngược lại phải tăng cường
bồi dưỡng các nguồn tài nguyên và nhân lực này, có như vậy sản xuất mới phát
triển bền vững, GAP mới mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội.
Với các mục tiêu trên, GAP gắn bó
mọi người trong toàn xã hội, bao gồm người sản xuất, nhà cung ứng và người tiêu
dùng sản phẩm với sự hỗ trợ của Nhà nước, chung sức vì lợi ích và cuộc sống của
con người hiện tại cũng như tương lai. Thực hiện được các mục tiêu của GAP là
rất khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác và kiên trì của mọi người.
4. Hỏi: GAP yêu cầu những vấn đề gì khi thực hiện?
Đáp:
a. Trước hết là người sản xuất
(nông dân và chủ trang trại) và nhà thu mua, cung ứng (doanh nghiệp) phải thực
hiện đúng các qui định nêu trong qui trình canh tác và cung ứng. Việc thực hiện
phải trên cơ sở
hiểu biết kỹ càng và tự giác vì quyền
lợi của mình và trách nhiệm với cộng đồng. Người sản xuất và cung ứng thực hiện
đúng nhiệm vụ của mình là yếu tố cơ bản đầu tiên làm giảm tối đa sự rủi ro từ
sản phẩm. Nếu có rủi ro dù được phát hiện và xử lý thì ít nhiều cũng đã gây
thiệt hại. Để thực hiện yêu cầu này, các cơ sở phải xây dựng một qui trình từ
sản xuất đến thu hoạch, đóng gói, bảo quản và phân phối sản phẩm. Qui trình cần
được thông báo và tập huấn cho mọi người nắm vững để thực hiện. Đồng thời phải
kiểm tra mức độ ô nhiễm của các yếu tố sản xuất (đất, nước, phân bón) và sản
phẩm để có biện pháp điều chỉnh, khắc phục.
b. Tất cả các việc đã làm đều
phải được ghi chép lại đầy đủ theo mẫu và lưu giữ. Việc này giúp cho công tác
kiểm tra và xác định nguyên nhân dẫn đến rủi ro một cách nhanh chóng và chính
xác. Tổ chức hoặc trang trại, hợp tác xã thực hiện GAP phải xây dựng một hệ
thống biểu mẫu ghi chép theo các nội dung GAP yêu cầu để người sản xuất thực
hiện. Qua trao đổi với nhiều nông dân và kinh nghiệm ở những nơi đã thực hiện
có thể coi đây là yêu cầu phức tạp và khó khăn nhất trong quá trình thực hiện
GAP. Tập quán từ lâu của người nông dân là không ngại lao động vất vả nhưng rất
ngại cầm giấy bút ghi chép. Thực hiện yêu cầu này là một thay đổi lớn trong
nhận thức và cách làm ăn của người nông dân, có thể còn khó hơn cả việc ứng
dụng tiến bộ kỹ thuật. Cần phải kiên trì, có thời gian tập dượt, bắt đầu từ đơn
giản đến phức tạp mới thành công.
c. Có một hệ thống qui trình kiểm
soát và một mạng lưới kiểm soát viên đủ khả năng hướng dẫn và kiểm soát việc
thực hiện các biện pháp tới từng hộ sản xuất và nhà cung ứng. Mạng lưới kiểm
soát viên có trách nhiệm theo dõi, nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện qui trình và
ghi chép hồ sơ đầy đủ.
5. Hỏi: GAP đề ra những tiêu chuẩn gì về vệ sinh an toàn thực
phẩm?
Đáp: Như trên đã trình bày, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là mục tiêu chủ
yếu và GAP đã đề ra 3 tiêu chuẩn cơ bản về vệ sinh:
a. Tiêu chuẩn kỹ thuật: tiêu
chuẩn kỹ thuật của GAP dựa trên cơ sở, hệ thống các biện pháp quản lý dịch hại
tổng hợp (IPM) và quản lý mùa màng tổng hợp (ICM), các thành quả của nông
nghiệp hữu cơ và công nghệ sinh học. Các biện pháp áp dụng đảm bảo cho sản xuất
không những có sản lượng cao mà còn có chất lượng tốt và an toàn. Trong các
biện pháp kỹ thuật này chú ý biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để không
ảnh hưởng đến sản phẩm, sức khỏe người và môi trường. Vấn đề sử dụng phân hữu
cơ cũng cần được quan tâm.
b. Tiêu chuẩn vệ sinh: tiêu chuẩn
này được dựa trên các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm do Nhà nước qui
định. Bao gồm các biện pháp đảm bảo cho sản phẩm không có dư lượng vượt mức cho
phép về thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các sinh vật có hại. Ngoài ra
cũng không được nhiễm các tác nhân vật lý và cơ giới (cát bụi, mảnh kim
loại,...), có hình thức mẫu mã đẹp và hương vị ngon lành.
c. Tiêu chuẩn môi trường làm
việc: môi trường làm việc tốt, không bị ô nhiễm, có đủ phương tiện và trang bị
cần thiết giúp người lao động có sức khỏe, thực hiện tốt các qui trình sản xuất, đồng thời ngăn chặn việc lạm
dụng sức lao động của nông dân và công nhân. Tiêu chuẩn về môi trường làm
việc là điều kiện quan trọng để thực hiện các tiêu chuẩn trên được đề cập đầy
đủ trong các nội dung của GAP.
6. Hỏi: Tại sao phải áp dụng GAP?
Đáp: Từ các mục tiêu và yêu cầu của GAP có thể thấy rõ
việc áp dụng GAP mang lại nhiều lợi ích.
a. Trước hết là lợi ích đối với
người tiêu dùng: người tiêu dùng là đối tượng được phục vụ, đồng thời cũng là
động lực để đề xuất và thúc đẩy thực hiện GAP. Người tiêu dùng trong đó có bản
thân ta và gia đình, được hưởng những sản phẩm nông nghiệp ngon lành, sạch sẽ
và an toàn, đó là mục tiêu chính và cũng là lợi ích lớn nhất mà GAP mang lại.
Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp chất lượng kém và không đảm bảo vệ sinh an
toàn còn lưu hành nhiều trên thị trường ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mọi người mà
ai cũng nhận thấy. Nhưng làm gì để giải quyết tình trạng này, chính GAP đã khởi
xướng và đề ra nhiều biện pháp, có thể nói là nghiêm khắc, quyết liệt và tích
cực nhất hiện nay. Đã có nhiều qui định của nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia
về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nói chung còn mang tính chất khuyến cáo,
dựa nhiều vào tự giác của người sản xuất và cung ứng mà chưa có những biện pháp
chế tài chặt chẽ. EUREP với tư cách là tổ chức nắm quyền phân phối trên phạm vi
rộng lớn hoàn toàn có thể đề ra và buộc người sản xuất phải tuân thủ các qui
định, nếu không thì sản phẩm của họ không thể tiêu thụ được, trước hết là ở các nước châu Âu, thị trường vào
loại quan trọng bậc nhất thế giới.
Với việc đề ra các nguy cơ và qui
định thực hiện, GAP khơi dậy và khuyến khích quyền được đòi hỏi của người tiêu
dùng và góp phần tạo nên một thế hệ những người tiêu dùng thông minh. Đây cũng là động lực chính thúc đẩy nông dân và các
nhà cung ứng phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp tốt
cho xã hội.
b. Đối
với nông dân và các chủ trang trại, những người trực tiếp sản xuất ra các sản
phẩm phục vụ người tiêu dùng, GAP bảo vệ an toàn sức khỏe cho chính bản thân họ
và đưa đến cho họ cơ hội, biện pháp để nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp
với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Một khi sản phẩm của họ làm ra
được nhiều người tiêu dùng chấp nhận thì lợi nhuận mang lại cho họ ngày càng
nhiều hơn. Điều này lại càng khuyến khích họ hăng hái đầu tư và cải tiến phương
thức làm việc, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ chung của nền sản xuất xã hội.
c. Lợi
ích của nhà cung ứng gắn liền và tương tự như lợi ích của người sản xuất. Người
tiêu dùng có sản phẩm để sử dụng phải dựa vào người sản xuất và nhà cung ứng.
Đưa được nhiều sản phẩm tốt đến người tiêu dùng, được người tiêu dùng chấp nhận
sẽ nâng cao tín nhiệm và mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà cung ứng.
d. Việc
tuyên truyền mở rộng thực hiện GAP góp phần hỗ trợ Nhà nước trong công việc
quản lý xã hội.
Tổng
hợp các lợi ích trên đây là lợi ích mà GAP mang lại cho toàn xã hội, không
những đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phù hợp với xu thế phát triển tương lai
của loài người. Đó là các sản phẩm phục vụ đời sống con người phải có chất
lượng tốt và đảm bảo an toàn. Các lợi ích mang đến nổi lên sự cần thiết phải thực
hiện GAP, đồng thời cũng nhắc nhở thúc đẩy mọi người phải quan tâm và thực hiện
theo GAP.
Tuy vậy, các tiêu chuẩn do GAP
đưa ra hiện nay chưa phải đã là hoàn hảo, càng chưa hẳn đã thích hợp với mọi
thị trường và mọi trình độ sản xuất, quản lý ở các vùng trên thế giới. Từ các tiêu chuẩn, nội dung và cách
thực hiện do EUREPGAP đưa ra, các vùng và quốc gia sẽ có các qui định phù hợp
hơn, đảm bảo thông nhất lợi ích của vùng và toàn cầu.
7. Hỏi: Xin nói rõ thêm về các yếu tố thường gây ô nhiễm cho rau, quả cần chú ý?
Đáp: Các yếu tố thường gây ô nhiễm cho rau, quả có thể chia thành ba nhóm là nhóm
hóa học, nhóm sinh học và nhóm vật lý-cơ giới.
a. Nhóm hóa học: gồm các yếu tố
chính là:
- Thuốc bảo vệ thực vật: các
thuốc bảo vệ thực vật đều là những chất độc hại với người và môi trường. Sau
khi phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh hại cây, dư lượng để lại trên rau quả, có
thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là yếu tố phổ biến nhất, do bất
kỳ ở đâu khi đã trồng cây đều
phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Kim loại nặng: các kim loại
nặng như asen (As), cadimi (Cd), chì (Pb), thủy ngân (Hg), đồng (Cu), kẽm (Zn),
thiếc (Sn),... cũng là những chất có hại cho cơ thể người. Các chất này thường
có trong các loại phân khoáng, trong nguồn nước thải của thành phố và các khu
công nghiệp.
- Các hóa chất có hại khác: trong
đó đáng chú ý là chất NO3 (Nitrat) có trong các loại phân đạm. Chất
NO3 thường thây trên cây rau do bón nhiều phân đạm hóa học và bón gần ngày
thu hoạch. Một số chất tẩy rửa và bảo quản rau quả cũng có hại với sức khỏe
người.
b. Nhóm sinh học: các sinh vật
như trứng giun, các vi khuẩn gây bệnh đường ruột (E.coli, Samonella, Coliform) thường có
nhiều trong các phân gia súc chưa ủ hoai và nguồn nước dơ bẩn.
c. Nhóm vật lý-cơ giới: gồm cát,
bụi, mảnh kim loại có thể bám dính vào rau quả, làm giảm chất lượng rau quả và
mang theo các yếu tố độc hại với cơ thể.
Tuy vậy, các chất này thường chỉ
có hại khi để lại trên rau quả một dư lượng vượt mức tối đa cho phép (MRL). Rau
quả có dư lượng các yếu tố trên đây vượt quá mức tối đa cho phép là rau quả
không an toàn. Các tổ chức quốc tế (WHO, FAO), các nước và nước ta đều có qui
định mức MRL của các yếu tố độc hại trên các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rau quả.
Kiểm tra, phân tích dư lượng trên sản phẩm rồi cán cứ vào mức MRL để xác định
độ an toàn của sản phẩm.
Ví dụ theo qui định của nước ta,
dư lượng tối đa cho phép của thuốc trừ sâu cypermethrin trên rau cải là 1,0
mg/kg, trên cà chua là 0,5 mg/kg, trên cây ăn quả có mức là 2,0 mg/kg, chất NO3
trên cải bắp là 500 mg/kg, trên cà chua là 100 mg/kg, chất Cadimi trên các loại
rau là 0,03 mg/kg, chất chì là 0,6 mg/kg, vi khuẩn đường ruột E.coli trên rau tươi là 100 tế bào/g.
Rau an toàn không được có dư lượng vượt quá mức tối đa cho phép.
Theo GAP, các nguồn có thể gây ô
nhiễm rau quả bao
gồm:
-
Hóa
chất phòng trừ dịch hại.
-
Các
hóa chất khác:
xăng, dầu, mỡ, chất tẩy rửa.
-
Đất và
môi trường gieo trồng.
-
Phân
bón (bón gốc và bón lá).
-
Nước
sử dụng trong quá trình chăm sóc, thu hoạch đống gói, làm lạnh.
-
Công
nhân làm việc (yếu tố con người).
-
Vật
liệu gieo trồng (giống).
-
Vật
nuôi và các sinh vật khác (chim, chuột,...).
-
Thiết
bị, thùng chứa, vật tư.
-
Phương
tiện đóng gói, bảo quản, vận chuyển.
Trên cơ sở xác định các nguồn có
thể gây ô nhiễm, GAP đề ra các nội dung cần thực hiện và kiểm tra để đảm bảo
cho sản phẩm được an toàn.
8. Hỏi: Nội dung của GAP do GLOBALGAP đưa
ra gồm những nội dung gì?
Đáp: Xuất phát từ các mục tiêu như phần trước đã nêu là đảm bảo chất lượng và an
toàn cho sản phẩm, kiểm soát được quá trình sản xuất, truy nguyên được nguồn
gốc sản phẩm, an toàn cho người sản xuất và bảo vệ môi trường, GLOBALGAP đề ra
14 nội dung và 210 tiêu chí là những việc cần thực hiện và kiểm tra. Tùy theo
mức độ quan trọng, trong 210 tiêu chí chia ra 47 tiêu chí chính yếu (CY) phải
tuân thủ 100%, 98 tiêu chí thứ yếu (TY) phải tuân thủ 95% và 65 tiêu chí đề
nghị thực hiện (ĐN).
Các nội dung và tiêu chí này xây
dựng trên cơ sở
hệ thống phân tích các mối nguy và các điểm cần kiểm soát (HACCP) do ủy ban
Codex Arimentarius của WHO (Tổ chức y tế thế giới) và FAO (Tổ chức Lương Nông
thế giới) đề ra. Hệ thống HACCP hiện đang được áp dụng ở nhiều nước, trong đó
có nhiều nước coi là bắt buộc. HACCP đề ra các nguyên tắc về chất lượng, an
toàn thực phẩm và những vấn đề chi tiết cần kiểm tra để tránh rủi ro cho người
tiêu dùng.
Tóm tắt 14 nội dung của GAP như
sau:
1. Truy nguyên nguồn gốc có 1
tiêu chí CY.
2. Lưu giữ hồ sơ và kiểm tra
nội bộ có 4 tiêu chí (3 CY và 1 TY).
3. Giống cây và gốc ghép có 11
tiêu chí (1 CY, 6 TY, 4 ĐN).
4. Lịch sử vùng đất canh tác có 5
tiêu chí (2 CY, 2 TY, 1 ĐN)
5. Sử dụng và bảo quản đất canh
tác có 10 tiêu chí (1 CY, 3 TY, 6 ĐN).
6. Sử dụng phân bón có 21 tiêu
chí (2 CY, 15 TY, 4 ĐN).
7. Tưới tiêu nước có 16 tiêu chí
(1 CY, 15 ĐN).
8. Bảo vệ thực vật có 62 tiêu chí
(14 CY, 43 TY, 5 ĐN).
9. Thu hoạch có 9 tiêu chí (6 CY,
1 TY, 2 ĐN).
10. Vận hành sản phẩm có 30 tiêu
chí (12 CY, 13 TY, 5 ĐN).
11. Quản lý chất thải và ô nhiễm
cổ 6 tiêu chí (6 ĐN).
12. Sức khỏe, an toàn và an sinh
xã hội cho người lao
động có 24 tiêu chí (2 CY, 13 TY, 9 ĐN).
13. Vấn đề môi trường có 9 tiêu
chí (1 TY, 8 ĐN).
14. Khiếu nại có 2 tiêu chí (2
CY).
Qua đó thấy rằng các vấn đề mà
GAP nêu ra và quan tâm là khá toàn diện, bao gồm đầy đủ các khâu từ sản xuất
đến phân phối, kể cả việc khiếu nại và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi
có vấn đề, thể hiện được các mục tiêu của GAP.
Trong mỗi nội dung trên, GAP nêu
ra các mối nguy cơ có thể xảy ra, các công việc cần thực hiện và kiểm tra tùy
theo mức độ quan trọng cùng những điểm lưu ý khi thực hiện. Cách đặt vấn đề như
thế này trước hết nhắc nhở ý thức cảnh giác về các mối nguy hại có thể xảy ra
từ sản phẩm trong cả quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, lưu thông và phân
phối, từ đó tạo thuận lợi cho người thực hiện và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Sau đây cùng trao đổi tìm hiểu về
từng nội dung của GAP.
9. Hỏi: Trước hết xin cho
biết ý nghĩa của việc truy nguyên nguồn gốc?
Đáp: Hiện nay hầu hết người tiêu dùng mua sản phẩm nông
nghiệp trên thị trường mà không biết nó sản xuất từ đâu, điều kiện sản xuất như
thế nào, có đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh và an toàn không. Hầu hết sản phẩm
trên không có nhãn mác ghi những thông tin cần thiết như địa chỉ, nơi sản xuất,
ngày sản xuất, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,... Một khi có vấn đề rủi
ro xảy ra thì các biện pháp khắc phục mang tính chất tình thế, nhất thời mà
không biết nguyên nhân cụ thể là gì, xuất phát từ đâu để có biện pháp khắc phục
tận gốc, ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra sau này.
GAP có một hệ thống biểu mẫu ghi
chép và lưu trữ hồ sơ để có thể truy tìm được nguồn gốc của sản phẩm tới từng
trang trại và người sản xuất. Từ đây cũng có thể truy ngược lại tới người tiêu
dùng qua nhiều khâu luân chuyển. Việc truy tìm được nguồn gốc sản phẩm sẽ biết
được nguyên nhân cụ thể gây ra rủi ro, xuất phát từ khâu nào (sản xuất, bảo
quản hay vận chuyển) và ở cơ sở nào, từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả và
cơ bản. Điều này còn nhắc nhở người sản xuất về trách nhiệm với sản phẩm do
mình làm ra, thực hiện các qui trình tốt hơn.
10. Hỏi: Để duy trì được truy
nguyên nguồn gốc sản xuất, GAP yêu cầu
thực hiện những việc gì?
Đáp: Việc quan trọng nhất là trên các thùng chứa sản phẩm đã đóng gói phải có nhãn
mác, ghi rõ mã số người sản xuất, tên giống, ngày thu hoạch, tên người thu
hoạch và loại thùng chứa khi thu hoạch (sọt tre, bao tải, thùng giấy hay thùng
nhựa).
Đối với mỗi lô sản phẩm sau khi
ra khỏi nhà máy đóng gói cũng phải có hồ sơ ghi các thông tin giống như trên
thùng sản phẩm, ngoài ra cần ghi thêm tên thị trường nhập khẩu, điều kiện kho
bảo quản, hợp đồng giữa nhà máy đóng gói và người trồng.
Nếu sản phẩm bị xác định hoặc
nghi là ô nhiễm cần phải cách ly, ngừng phân phối hoặc thông báo ngay tới người
đã mua sản phẩm. Đồng thời điều tra nguyên nhân ô nhiễm và có biện pháp ngăn
ngừa tái nhiễm.
GAP yêu cầu người sản xuất và
đóng gói ghi chép và lưu giữ đầy đủ các thông tin trên. Đây là điểm chính yếu
yêu cầu phải thực hiện 100%.
11. Hỏi: Tại sao phải lưu giữ
hồ sơ và thực hiện việc kiểm tra nội bộ?
Đáp: Đây là nội dung thứ 2 mà GAP yêu cầu thực hiện. Lưu giữ hồ sơ để giúp truy
tìm xác định nguyên nhân cụ thể làm giảm chất lượng và an toàn sản phẩm, từ đó
có biện pháp khắc phục thích hợp, có hiệu quả. Có những trường hợp hậu quả do
sản phẩm gây ra phải qua một thời gian mới phát hiện, hồ sơ mặc dù đã ghi đầy
đủ nhưng nếu không lưu giữ thì cũng không thể truy tìm, xác định được nguyên
nhân.
Để tránh tình trạng hồ sơ ghi
chép không đầy đủ hoặc không chính xác, các cơ sở sản xuất và thu mua đóng gói
phải thiết lập một hệ thống kiểm tra nội bộ. Hệ thống này có nhiệm vụ kiểm tra
việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật, quản lý và ghi chép của từng hộ nông dân
và toàn cơ sở. Công việc kiểm tra phải tiến hành thường xuyên trong quá trình
sản xuất ngoài đồng ruộng, trong mỗi đợt thu hoạch và đóng gói. Định kỳ hàng
năm phải tổng hợp kết quả kiểm tra để đánh giá việc thực hiện phát hiện những
sai sót và khó khăn để chấn chỉnh. Hệ thống kiểm tra nội bộ đồng thời có nhiệm
vụ tập trung lưu giữ và quản lý các hồ sơ đã ghi chép để cung cấp, giải trình
khi cần thiết. Tiến hành kiểm tra nội bộ cũng là biện pháp có hiệu quả nhắc nhở
người nông dân ghi chép và lưu giữ hồ sơ đầy đủ.
Hệ thống kiểm tra nội bộ được
thành lập tại cơ sở,
bao gồm các nhân viên kiểm tra do trang trại hoặc tập thể nông dân ở cơ sở cử
ra cùng với nhân viên của đơn vị thu mua, đôi khi có sự tham gia của nhân viên
nhà nước. Mỗi lần kiểm tra đều phải có chữ ký xác nhận của nhân viên kiểm tra
hoặc có biên bản.
12. Hỏi: Trong việc kiểm tra nội bộ và lưu giữ hồ sơ, GAP
yêu cầu thực hiện những việc gì?
Đáp: GAP yêu cầu thực hiện 4 việc, trong đó 3 việc chính
yếu và 1 việc thứ yếu. Các việc chính yếu gồm:
- Có
tài liệu chứng minh rằng cơ sở đã tiến hành thanh tra nội bộ hàng năm.
- Các nội dung kiểm tra đã được
hoàn tất và lưu giữ.
- Các
biện pháp khắc phục cũng như được ghi chép, xác nhận trong hồ sơ và lưu giữ.
Việc thứ yếu là các tài liệu phải
được cập nhật và lưu giữ trong thời gian ít nhất 2 năm, trường hợp có yêu cầu
về mặt pháp lý phải lưu giữ lâu hơn. Những cơ sở mới đăng ký GAP phải có hồ sơ
lưu giữ trước đó ít nhất 3 tháng trước khi kiểm tra công nhận.
13. Hỏi: Nông dân và trang trại cần chú ý gì khỉ thực hiện nội
dung này?
Đáp:
- Trước hết, nông dân và trang
trại phải tự kiểm tra đánh giá việc thực hiện qui trình sản xuất theo tiêu
chuẩn GAP ít nhất mỗi năm một lần xem đã làm và chưa làm được những gì, có khó
khăn gì cần giải quyết.
- Kiểm tra viên nội bộ tiến hành
kiểm tra thường xuyên hàng tháng để kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót.
- Nông dân và trang trại phải lưu
giữ các hồ sơ có liên quan đến quá trình sản xuất, bao gồm các vấn đề về đất
đai, các biện pháp canh tác, thu hoạch và văn bản hợp đồng với nhà thu mua,
đóng gói.
14. Hỏi: Giống cây có vai trò như thế nào trong thực hiện qui trình
GAP?
Đáp: Giống cây là nội dung thứ 3 mà GAP đề ra.
- Giống cây là tiền đề, là khởi
đầu của một quá trình sản xuất. Muốn cây trồng sinh trưởng phát triển tốt trước
hết phải có giống tốt. Giống tốt là giống có khả năng cho năng suất cao, sản
phẩm có chất lượng tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh, phù hợp với điều kiện đất đai,
khí hậu và tập quán canh tác ở địa phương. Nếu được gieo trồng giống tốt sẽ cho
sản phẩm có chất lượng tốt, sâu bệnh ít nên ít phải dùng thuốc hóa học, giảm
thiểu được nguy cơ ô nhiễm thuốc hóa học trên sản phẩm, nâng cao tín nhiệm đối
với người tiêu dùng và nhà thu mua.
- Giống cũng là nơi tồn tại lan
truyền nguồn sâu bệnh trên đồng ruộng. Trong quá trình sản xuất, bảo quản và
vận chuyển giống cây nếu không thực hiện cẩn thận cũng có thể ảnh hưởng đến
chất lượng giống và sự sinh trưởng của cây sau này.
- Nhiều trường hợp hợp đồng mua
bán không thực hiện được do nông dân hoặc trang trại sử dụng nguồn giống không
tốt làm thất thu sản lượng do bị sâu bệnh phá hoại hoặc chất lượng sản phẩm
không đạt yêu cầu. Kinh nghiệm của nước láng giềng Thái Lan cho thấy sản phẩm
của họ xuất khẩu được nhiều và có giá cao, trước hết là nhờ giống tốt.
15. Hỏi: GAP yêu cầu những gì về giống cây?
Đáp: Đối với giống cây, GAP đề ra 11 tiêu chí cần thực hiện, trong đó 1 tiêu chí
chính yếu, 6 tiêu chí thứ yếu và 4 tiêu chí đề nghị.
- Tiêu chí chính yếu: là có trồng
cây biến dổi gen không, nếu có thì phải phù hợp với luật định của Nhà nước.
- Các tiêu chí thứ yếu gồm:
+ Có tài liệu chứng minh giống
cây đã sử dụng là giống được Nhà nước công nhận và đạt các chỉ tiêu về chất
lượng.
+ Có đủ các thông tin chứng nhận
về chất lượng của lô giống như tên giống, độ thuần, ngày sản xuất, nhà phân phối giống, tên gốc ghép.
+ Ghi rõ tên các sản phẩm dùng để
xử lý giống hay giống ghép và đối tượng dịch hại cần xử lý.
+ Giấy chứng nhận của cơ quan
quản lý giống về sức khỏe cây hoặc hạt giống phù hợp tiêu chuẩn quốc gia hoặc
giấy hợp đồng với đơn vị sản xuất giống có uy tín.
+ Có hồ sơ đảm bảo các nguyên
liệu dùng nhân giống phù hợp với yêu cầu đề ra như xuất xứ hạt giống hoặc cành
ghép, gốc ghép, các vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất giống (phân bón,
thuốc bảo vệ thực vật, thuốc xử lý).
+ Khi cây giống có sâu bệnh gây
hại phải xử lý kịp thời và có hiệu quả.
-Các tiêu chí đề nghị là:
+ Thông tin về kỹ thuật trồng
trọt và thu hoạch giống, đảm bảo có được giống tốt theo qui trình.
+ Giống cây cần có tính kháng
hoặc chống chịu được các sâu bệnh chủ yếu ở địa
phương.
+ Nông dân và chủ trang trại có ý
thức về tầm quan trọng của “thế hệ bố mẹ” đối với cây trồng trong mùa vụ hiện
tại.
+ Địa phương hoặc vùng sản xuất
giống không có sâu bệnh hại quan trọng.
16. Hỏi: Nông dân cần chú ý những gì khi sử dụng giống theo GAP?
Đáp: Có 2 vấn đề cần chú ý:
- Có
hồ sơ lưu giữ ghi rõ tên và địa chỉ nhà cung cấp giống, ngày tháng mua.
- Nếu giống cây được sản xuất tại
chổ cần có hồ sơ ghi rõ các biện pháp hóa học đã xử lý gồm tên hóa chất, đối
tượng phòng trừ và phương pháp xử lý (nồng độ, thời gian xử lý).
17. Hỏi: Tại sao phải nắm rõ lịch sử vùng đất khi thực hiện GAP?
Đáp: Đây là nội dung thứ 4 mà GAP yêu cầu.
Như ta dã biết, đất là kho dự trữ
và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc tính và chất lượng cây trồng
cũng vì vậy có liên quan đến đất. Đất tốt hay xấu một phần do khả năng đầu tư
cải tạo, bồi dưỡng của con người, phần cũng rất quan trọng do lịch sử hình
thành và điều kiện tự nhiên của vùng đất canh tác. Vì vậy, để đánh giá chất
lượng cây trồng, GAP yêu cầu phải nắm được đặc điểm đất trồng, trước hết là
lịch sử vùng đất đó.
Có những vùng đất do điều kiện tự
nhiên hoặc hoạt động của con người làm cho trong đất tích tụ những tác nhân hóa
học, sinh học hoặc vật lý ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm
nông nghiệp, đó là sự ô nhiễm đất.
- Ô nhiễm hóa học gây ra bởi sự
tích tụ các loại hóa chất khó phân hủy và các kim loại nặng có hại cho sức khỏe
con người. Sự tích tụ các chất này là do địa điểm đất trước đây đã từng hoặc ở
gần bãi thải hóa chất hoặc đã phun các hóa chất khó phân hủy, nằm gần các nhà
máy có thải chất hóa học và kim loại nặng. Một số hóa chất có thể tồn tại trong
đất một thời gian dài tới vài chục năm. Những hóa chất này có thể bị cây trồng
hấp thụ hoặc từ bụi đất bám vào bề mặt rau, quả.
- Ô nhiễm sinh học trong đất là
sự tồn tại các sinh vật có hại. Nguyên nhân là do địa điểm đất trước đây là
chuồng trại hoặc là nơi chăn thả gia súc, nơi chứa các chất thải sinh hoạt của
người và do bón phân chuồng không qua xử lý. Các sinh vật có hại này có thể bám
trên bề mặt sản phẩm.
- Ô nhiễm vật lý gây ra bởi các
dị vật như mảnh thủy tinh và kim loại rơi vãi trước đây, có hại cho người và
gia súc khi canh tác.
Ô nhiễm đất ảnh hưởng chủ yếu đến
các loại cây thấp gần mặt đất, nhất là các loại rau ăn lá và ăn củ. Các loại
cây sản phẩm sử dụng ở trên cao, cách xa mặt đất thì khả năng ô nhiễm bởi đất
có ít hơn. Đối với rau, việc điều tra lịch sử đất để chọn đất trồng là yêu cầu
quan trọng.
18. Hỏi: Về lịch sử vùng đất trồng trọt, GAP yêu cầu nắm những
tiêu chí gì?
Đáp: Về lịch sử vùng đất trồng, GAP yêu cầu nắm được 5 tiêu chí, trong đó có 2
tiêu chí chính yếu, 2 tiêu chí thứ yếu và 1 tiêu chí đề nghị.
- Các tiêu chí chính yếu là:
+ Có hồ sơ tài liệu đánh giá
những rủi ro có thể từ đất gây ra đối với an toàn thực phẩm, sức khỏe người lao
động và môi trường. Hồ sơ ghi rõ loại đất, vùng đất trước đây đã sử dụng ra
sao, tình trạng xói mòn đất và nước ngầm, khả năng cung cấp nước bền vững cùng
những ảnh hưởng qua lại với các vùng lân cận. Nếu phát hiện có yếu tố rủi ro
nguy hại đến sức khỏe người và môi trường mà không kiểm soát hoặc không khắc
phục dược thì đất đó không được dùng để sản xuất nông nghiệp.
+ Có hồ sơ ghi chép cho mỗi khu
trồng trọt về các hoạt động nông nghiệp liên quan đến yêu cầu của GAP về lịch
sử vùng đất đó như loại cây trồng, mùa vụ, các biện pháp canh tác,...
- Các tiêu chí thứ yếu là:
+ Đối với mỗi rủi ro khi phát
hiện về vùng đất phải chỉ ra được mức độ quan trọng, khả năng xảy ra và các
biện pháp ngăn ngừa, khắc phục.
+ Mỗi cánh đồng, vườn cây hay nhà
lưới cần có sơ đồ ranh giới với các ký hiệu và màu sắc sẽ được dùng trong tất
cả các hồ sơ lưu trữ về vùng đất.
- Tiêu chí đề nghị là: cần ghi rõ
vùng đất có áp dụng luân canh hàng năm không.
19. Hỏi: Cần chú ý những gì trong việc điều tra lịch sử vùng đất?
Đáp:
- Trước hết cần đánh giá được nguy
cơ ô nhiễm từ các mối nguy hóa học và sinh học tại khu vực gieo trồng.
- Không trồng rau quả ở những nơi có nguy cơ ô nhiễm cao,
nếu sử dụng để trồng trọt thì trước khi trồng cần có biện pháp xử lý đảm bảo
khống chế được rủi ro.
- Nếu bắt buộc phải có biện pháp
xử lý thì phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện, không để sản phẩm bị ô nhiễm.
- Có hồ sơ lưu giữ về các địa
điểm xác định là không thích hợp cho việc sản xuất rau quả trong phạm vi cơ sở
quản lý.
- Không chăn thả vật nuôi vào khu
trồng trọt trong vòng 3 tháng và sau mùa vụ thu hoạch, nhất là ở nơi trồng rau và cây ăn củ.
20. Hỏi: Về nội dung thứ 5 là quản lý và sử dụng đất trồng, GAP yêu cầu thực hiện
như thế nào?
Đáp: Về quản lý và sử dụng đất trồng, GAP yêu cầu thực
hiện 5 tiêu chí, trong đó có 1 tiêu chí chính yếu, 3 tiêu chí thứ yếu và 1 tiêu
chí đề nghị.
- Tiêu chí chính yếu cần chú ý
là: có tài liệu cụ thể về việc sử dụng các hóa chất xử lý đất gồm lý do phải xử
lý vị trí khu xử lý, các loại hóa chất sử dụng, ngày xử lý, nồng độ và liều
lượng sử dụng, phương pháp xử lý và tên người thực hiện. Tất cả phải ghi đầy đủ
trong hồ sơ.
- Các tiêu chí thứ yếu là:
+ Các biện pháp chống xói mòn như
hệ thống thoát nước, trồng cây phủ đất, các bụi cây chung quanh vùng biên.
+ Người sản xuất (nông dân, chủ
trang trại) phải hiểu biết về các biện pháp xử lý đất và đánh giá được hiệu quả
thông qua kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế.
+ Khử trùng đất khi tái sử dụng
cần ghi rõ vị trí khu đất xử lý, loại hóa chất, ngày xử lý, phương pháp tiến
hành và người thực hiện.
- Các tiêu chí đề nghị thực hiện
gồm có:
+ Xác định loại đất cho mỗi vùng
đất trồng trọt dựa trên bản đồ phân loại đất của khu vực và kết quả giám định
phân tích đất.
+ Có tài liệu chứng minh là đất
được tái sử dụng.
+ Các biện pháp canh tác áp dụng
trên vùng đất phải phù hợp với đặc điểm đất (loại đất, độ dốc, tình trạng
nước,...).
+ Đất được sử dụng lại dùng
phương pháp xông hơi bằng nước nóng là thích hợp nhất.
+ Có hồ sơ chứng minh nguồn gốc
nền đất đang sử dụng, đất này không được lấy từ khu bảo tồn.
+ Có bản đồ vùng đất canh tác thể
hiện vị trí, phạm vi vùng đất, loại đất, cây trồng, độ dốc, nguồn nước,...
21. Hỏi: Vai trò của phân bón trong thực hiện GAP như thế nào?
Đáp: Phân bón là nội dung thứ 6 trong qui trình thực
hiện GAP.
Rau quả bị ô nhiễm hóa học và
sinh học từ phân bón là nguyên nhân rất phổ biến.
Trong các loại phân bón vô cơ
(hóa học) thường có các chất có hại cho sức khỏe người và môi trường như các
kim loại nặng, trong đó đáng chú ý nhất là chất Cadimi (Cd) có trong phân lân
và các phụ gia như thạch cao. Trên các loại đất cát, đất chua mặn, ít chất kẽm
và ít phân hữu cơ, Cadimi chuyển thành dạng dễ tiêu và được cây hấp thụ. Các
loại rau ăn củ và rau ăn lá có nguy cơ nhiễm Cadimi cao hơn cả. Các loại phân
đạm hóa học thường để lại dư lượng nitrat (NO3) cũng ảnh hưởng đến
sức khỏe người.
Phân hữu cơ chế biến từ các nguồn
phân chuồng, phân rác và phân người chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh cho
người và trứng giun. Các sản phẩm cây trồng dễ dàng bị nhiễm các sinh vật có
hại qua tiếp xúc trực tiếp với phân bón, với đất và nguồn nước bị ô nhiễm,
trong đó các rau ăn củ và ăn lá cũng có nguy cơ nhiễm nhiều nhất.
Qua đó thấy rằng việc sử dụng
phân bón có vai trò rất quan trọng đối với vệ sinh an toàn sản phẩm. Sử dụng
phân bón không tốt là một trong những nguyên nhân chính làm cho sản phẩm nông
nghiệp bị ô nhiễm. Vì vậy các qui trình của GAP rất chú ý đến nội dung về phân
bón với nhiều điểm cần thực hiện.
22. Hỏi: Trong việc bón phân, GAP yêu cầu những vấn đề gì?
Đáp: Trong việc bón phân, GAP đưa ra 21 tiêu chí cần
thực hiện, trong đó có 2 tiêu chí là chính yếu, 15 tiêu chí thứ yếu, 4 tiêu chí
đề nghị.
- Các tiêu chí chính yếu là:
+ Các loại phân vô cơ và hữu cơ
không được để cùng với rau quả và vật liệu dùng trong quá trình nhân giống, thu
hoạch và đóng gói.
+ Không sử dụng phân và các chất
thải từ người để bón.
- Các tiêu chí thứ yếu gồm có:
+ Ghi chép và lưu giữ hồ sơ của
tất cả các lần bón phân như:
•
Tên
cánh đồng và vị trí bón.
•
Tên
các loại phân và thành phần (thí dụ phân NPK 16-16-8).
•
Nhà
sản xuất
•
Số
lượng bón.
•
Ngày
bón.
•
Các
dụng cụ, máy móc dùng để bón.
•
Phương
pháp bón (rải xuống đất, hòa nước tưới hay phun lên lá).
•
Tên
người bón.
+ Hồ sơ về việc bảo trì máy móc
và phụ tùng thay thế.
+ Số liệu kiểm kê phân bón trong
kho ít nhất 3 tháng 1 lần.
+ Khoảng cách giữa nơi để phân và
thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo tránh ảnh hưởng và lẫn lộn.
+ Nơi chứa phân hữu cơ phải có
mái che, đảm bảo tiêu chuẩn, tránh tác động của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, mưa
gió.
+ Nơi để phân vô cơ không được có
rác thải, phải thông thoáng, khô ráo, không có chuột và không để chất rò rỉ
thoát đi dễ dàng.
+ Dụng cụ, bao bì chứa phân phải
chắc chắn, kín đáo, không để rò rỉ, rơi vãi, chú ý các nguồn nước chung quanh,
đề phòng khi ngập lụt.
+ Kiểm tra và ghi chép các tiềm
ẩn rủi ro có thể xảy ra do phân như nguồn truyền bệnh, hạt cỏ dại, phương pháp
ủ,...
+ Người phụ trách bón phân cần
nắm vững đặc điểm và kỹ thuật sử dụng các loại phân.
- Các tiêu chí đề nghị là:
+ Lưu giữ hồ sơ kiểm dịch và bảo trì máy
móc trong vòng 12 tháng.
+ Nơi dự trữ phân hữu cơ cần cách
nguồn nước bề mặt ít nhất 25 m.
+ Phân tích hàm lượng NPK trong
các phân gia súc được bón.
+ Các loại phân vô cơ sử dụng cần
có trong danh mục đăng ký với EUREPGAP trong thời hạn 12 tháng vừa qua.
23. Hỏi: Thực hiện các yêu cầu về bón phân theo GAP cần chú ý những vấn đề gì?
Đáp:
- Trước hết cần hiểu và đánh giá
được các nguy cơ ô nhiễm rau quả trong việc bón phân. Các nguy cơ ô nhiễm chủ
yếu do các chất hóa học và vi sinh vật có hại chứa trong phân. Các loại rau quả
củ và ăn lá gần mặt đất có nguy cơ ô nhiễm do phân bón là cao nhất, cần chú ý.
- Không bón phân hữu cơ, nhất là
phân gia súc còn tươi, chưa qua xử lý. Khi mua phân hữu cơ để bón cũng cần xem
đã xử lý chưa.
- Có nơi ủ phân đảm bảo không gây
ô nhiễm cho nơi trồng trọt và nguồn nước.
- Không bón phân hữu cơ dù đã xử
lý hay chưa xử lý trực tiếp vào bộ phận rau quả dùng để ăn.
- Không sử dụng nguồn nước và
chất thải sinh hoạt trong sản xuất rau quả tươi.
- Bảo quản và tiêu hủy phân bón
và các chất phụ gia đúng cách, không làm ô nhiễm rau quả và nguồn nước.
- Khi phát hiện có nguy cơ ô
nhiễm do kim loại nặng hoặc vi sinh vật có hại từ phân bón cần có biện pháp
khác phục ngay.
- Ngưng bón các loại phân trước
khi thu hoạch rau quả ít nhất 7 ngày.
- Ghi chép và lưu giữ đầy đủ hồ
sơ về các lần bón phân.
24. Hỏi: Việc tưới tiêu nước có thể làm ô nhiễm rau quả như thế nào?
Đáp: Tưới nước là công việc quan trọng phải làm thường xuyên trong suốt quá trình
trồng trọt. Nếu nguồn nước tưới bị ô nhiễm cũng làm ô nhiễm rau quả và đây cũng
là một nguyên nhân rất phổ biến thường gặp phải. Ngoài nước tưới, nước dùng phun
phân bón lá, dùng phun thuốc và nước rửa sản phẩm cũng là nguồn gây ô nhiễm cho
rau quả.
Nước cũng có thể bị ô nhiễm hóa
học và sinh học. Ô nhiễm hóa học do chứa các kim loại nặng và hóa chất có hại,
thường có trong các nguồn nước gần khu công nghiệp, ô nhiễm sinh học do nước
chứa các vi sinh vật có hại, thường ở các nguồn nước gần trại chăn nuôi, gần
khu dân cư tập trung và bãi rác thải hoặc khu vực trước đây bị rải chất độc da
cam.
Các nguồn nước như sông, suối,
kênh mương, ao, hồ, kể cả nguồn nước ngầm cũng đều có thể bị ô nhiễm. Tất cả
các bộ phận cây đều có thể bị ô nhiễm bởi nguồn nước, đặc biệt là các rau quả
ăn tươi và không có lớp vỏ dày bao bọc.
25. Hỏi: GAP yêu cầu những gì về nguồn nước
tưới?
Đáp: Nguồn nước tưới là nội dung thứ 7 mà GAP yêu cầu
thực hiện và kiểm soát. Trong nội dung về nước tưới GAP nêu ra 16 tiêu chí
trong đó có 1 tiêu chí chính yếu và 15 tiêu chí đề nghị.
- Tiêu chí chính yếu là: tuyệt đối không sử dụng các
loại nước thải chưa qua xử lý để tưới. Nếu sử dụng nước thải đã qua xử lý thì chất lượng nước phải được
phân tích xác định là đúng với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về sử dụng
nước thải an toàn trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
- Một số tiêu chí đề nghị thực
hiện gồm có:
+ Khi xem xét đánh giá nguy cơ ô
nhiễm nước phải chú ý đến các yếu tố nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất và vật lý.
+ Trong năm nên kiểm tra nguồn
nước nhiều lần, số lần kiểm tra tùy theo đánh giá nguy cơ ô nhiễm và mức độ
khắc phục.
+ Phòng thí nghiệm có khả năng
phân tích hàm lượng N, P,K, độ pH, các độc tố và vi sinh vật có hại quan trọng.
+ Hồ sơ ghi dư lượng kim loại
nặng, dư lượng hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại.
+ Hồ sơ ghi chép các biện pháp đã
xử lý và kết quả.
+ Nguồn nước tưới phải đủ cung
cấp trong điều kiện bình thường.
+ Có các tài liệu lưu trữ kết quả
điều tra về nguồn nước từ máy đo lượng mưa, lượng nước bốc hơi, độ ẩm và bản đồ
đất.
+ Có hồ sơ về lượng nước mưa thực
tế đã đo được và lượng mưa dự đoán.
+ Có các tài liệu và dữ liệu
thông tin về cách tính lượng nước mưa bốc hơi.
+ Có hệ thống tưới tiêu đảm bảo
yêu cầu nước thích hợp cho cây trồng và cho một nền sản xuất nông nghiệp tốt và
bền vững.
+ Có kế hoạch tưới tiêu và biện
pháp thực hiện cụ thể.
+ Ghi chép lượng nước đã sử dụng
để tưới cho một đơn vị diện tích cây trồng.
+ Các hồ sơ ghi chép về nguồn
nước và sử dụng nước tưới cần lưu trữ đầy đủ và sẵn sàng khi cần kiểm tra.
26. Hỏi: Cần chú ý những gi khi thực hiện tưới tiêu theo
GAP?
Đáp:
- Cần
kiểm tra và đánh giá được các nguy cơ ô nhiễm (hóa học, sinh học, vật lý) của các nguồn nước dùng để
tưới cho khu vực, phân tích nguy cơ nghiêm trọng nhất.
- Nếu phải phân tích nước để đánh
giá nguy cơ ô nhiễm cần định kỳ kiểm tra tùy theo điều kiện tác động tới nguồn
nước và hoạt động sản xuất. Thí dụ nhà máy công nghiệp gần đó tăng hoặc giảm
công suất hay đã chuyển đi xa.
- Ở những vùng có nguy cơ ô nhiễm
nguồn nước cao phải thay bằng nguồn nước khác hoặc phải được xử lý đảm bảo an
toàn.
- Các kết quả kiểm tra và xử lý
phải được ghi chép hồ sơ và lưu trữ đầy đủ.
Đáp: Trong quá trình sản xuất nông nghiệp thường xuyên
phải dùng thuốc để phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng. Các thuốc bảo vệ thực
vật đều là những chất độc hại với người và môi trường. Độc hại này với người có
thể xảy ra nhanh chóng (độc cấp tính), cũng có thể tồn tại tích lũy lại sau một
thời gian dài mới thể hiện (độc mãn tính). Độc hại của thuốc có thể xảy ra với
người trực tiếp sử dụng hoặc đối với người khác do nguồn nước bị ô nhiễm thuốc
đặc biệt là ăn phải rau quả bị nhiễm thuốc. Rau quả bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật
là nguồn ô nhiễm nguy hiểm và phổ biến nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp,
nhất là rau và quả. Vì vậy, đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong quá trình
thực hiện sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP. Các sản phẩm rau quả có dư
lượng thuốc vượt quá mức tối đa cho phép là đã bị ô nhiễm, không được lưu hành
trên thị trường.
Các nguyên nhân làm dư lượng
thuốc vượt mức cho phép chủ yếu là:
- Không tuân thủ thời gian cách
ly trước khi thu hoạch.
- Phun thuốc nhiều lần và phun
nồng độ cao.
- Phun các loại thuốc có độ độc
cao, chậm phân hủy, thuốc không được phép sử dụng trên cây trồng đó.
- Thuốc phun từ vườn bên cạnh
sang.
- Thuốc phun thừa, đổ xuống nguồn
nước dùng hoặc bị ngấm sang từ nơi chứa thuốc.
- Dùng dụng cụ phun thuốc hoặc
đựng thuốc để chứa hoặc rửa rau quả.
28. Hỏi: Trong nội dung về bảo vệ thực vật, GAP yêu cầu thực hiện những
vấn đề gì?
Đáp: Bảo vệ thực vật là nội dung thứ 8 trong qui định thực
hiện GAP.
Đây là nội dung gồm nhiều điểm
qui định nhất, chứng tỏ được GAP rất chú ý. GAP yêu cầu thực hiện tới 62 tiêu
chí về bảo vệ thực vật, trong đó chính yếu gồm 14 tiêu chí, thứ yếu gồm 43 tiêu
chí và đề nghị có 5 tiêu chí.
- Các tiêu chí chính yếu gồm có:
+ Các thuốc bảo vệ thực vật sử
dụng phải đúng với đối tượng dịch hại cần phòng trừ (sâu, bệnh, cỏ dại,...).
+ Các thuốc sử dụng phải được
đăng ký và được Nhà nước cho phép sử dụng trong nông nghiệp.
+ Không sử dụng các hóa chất bị
cấm trên các cây trồng ở nơi có đăng ký GAP và
phải lưu giữ hồ sơ về các loại thuốc đã dùng trong vòng 12 tháng.
+ Người có trách nhiệm lựa chọn
thuốc phải là người có trình độ chuyên môn thể hiện ở văn bằng, chứng chỉ.
+ Người trực tiếp sử dụng thuốc
cũng phải am hiểu kỹ thuật qua các khóa đào tạo.
+ Các lần phun xịt đều phải ghi
rõ giống cây trồng và đối tượng dịch hại phòng trừ.
+ Các lần phun xịt phải ghi rõ
địa điểm, cánh đồng, vườn cây.
+ Các lần phun xịt phải ghi rõ
ngày, tháng, năm.
+ Ghi rõ tên thương mại, thành
phần hoạt chất của thuốc sử dụng mỗi lần và tên nhà sản xuất.
+ Đảm bảo thời gian cách ly theo
qui định của mỗi loại thuốc, ghi rõ ngày phun xịt và ngày thu hoạch ở các ruộng
vườn được xử lý.
+ Những cây trồng và địa điểm nào
không thực hiện đúng thời gian cách ly cũng cần ghi rõ.
+ Hằng năm tiến hành phân tích dư
lượng thuốc trên các loại sản phẩm tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn.
+ Chủ cơ sở sản xuất cần có một
bảng về dư lượng tối đa cho phép hiện hành ở các nước mà sản phẩm sẽ bán sang.
+ Có văn bản thống nhất với khách
hàng về các bước liên hệ và xử lý khi dư lượng thuốc vượt quá mức cho phép.
29. Hỏi: Còn các tiêu chí thứ yếu và những đề nghị về bảo vệ thực vật
là gì?
Đáp: Các tiêu chí thứ yếu rất nhiều (tới 43 tiêu chí), xin
tóm tắt vào các vấn đề sau:
+ Hằng năm có danh sách tên
thương mại các thuốc đã sử dụng và thông tin chính về những loại thuốc đó (cây
trồng, đối tượng dịch hại, liều lượng sử dụng, nhóm độc, thời gian cách
ly,...).
+ Ghi rõ tỉ lệ diện tích cây
trồng được phun xịt theo đúng hướng dẫn trên bao bì.
+ Ghi rõ tên các loại sâu, bệnh,
cỏ dại phải dùng thuốc trừ.
+ Ghi tổng khối lượng các loại
thuốc đã sử dụng trong vụ hoặc trong
năm.
+ Loại máy móc, dụng cụ đã sử
dụng và phương pháp sử dụng.
Hồ sơ về các đợt sửa chữa, bảo
trì máy móc cũng được giữ lại. Hàng năm cần kiểm tra bảo trì máy móc, dụng cụ
đảm bảo sử dụng tốt.
+ Các dụng cụ đo lường thuốc phải
chính xác.
+ Xử lý nước thuốc thừa sau khi
phun theo đúng qui định.
+ Không sử dụng các chai lọ, bao
bì đựng thuốc vào việc khác. Bao bì thuốc sử dụng xong phải thu gom xử lý đúng
qui định, không để mọi người tiếp xúc. Phát hiện nơi nào có bao bì thuốc không
được gom nhặt phải ghi lại và cho thu gom xử lý ngay.
+ Có nơi lưu trữ các bao bì chưa
được xử lý và ghi bảng thông báo cho mọi người biết.
+ Việc xử lý bao bì thuốc phải
theo qui định và được hướng dẫn, kiểm soát của ngành chức năng, đảm bảo không
ảnh hưởng đến người và môi trường.
+ Các thuốc hết hạn không dùng
nữa phải để riêng, có ghi rõ và báo cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý.
+ Có kho riêng chứa thuốc. Kho
phải đúng qui định như xa dân cư, xa nguồn nước, kín đáo, chắc chắn, cao ráo,
không bị ngập nước khi mưa lũ. Kho phải làm bằng các vật liệu không cháy. Có
trang bị dụng cụ phòng chống cháy nổ.
+ Các dụng cụ pha chế, phun xịt
có nơi để riêng.
+ Có người chuyên trách quản lý
kho thuốc và đã được đào tạo về chuyên môn.
+ Có sổ ghi chép lượng thuốc tồn
kho các loại, ít nhất 3 tháng kiểm kê kho 1 lần.
+ Thuốc phải chứa trong bao bì
nguyên gốc. Nếu có thay đổi thì bao bì cũng phải chắc chắn, kín đáo, ghi đầy đủ
các thông tin như trên bao bì gốc.
- Các tiêu chí đề nghị thực hiện
là:
+ Ghi rõ địa điểm, cây trồng và
diện tích áp dụng IPM.
+ Chủ trang trại cũng nên tham
gia vào các đợt kiểm định, bảo trì máy phun thuốc.
+ Thuốc pha xong dùng không hết
nếu có phun trên diện tích trồng trọt khác ngoài khu phải xử lý cũng cần ghi rõ.
+ Nếu có phun trên đất bỏ hoang
cũng phải ghi.
+ Thuốc được kê đặt trên các vật
liệu không hút ẩm (như kim loại, nhựa cứng), nếu bị chảy đổ, rò rĩ cũng phải ghi rõ.
30. Hỏi: Khi thực hiện công việc bảo vệ thực vật theo GAP cần
chú ý những gì?
Đáp:
- Trước hết cần trang bị cho chủ
trang trại và nông dân nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ thực
vật trong khi thực hiện GAP và các hiểu biết về thuốc bảo vệ thực vật phù hợp
với công việc của từng người.
- Tăng cường áp dụng hệ thống biện pháp quản lý dịch
hại tổng hợp (IPM) và các thuốc sinh học.
- Sử dụng thuốc đúng với đối
tượng cây trồng và dịch hại, đúng nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly ghi
trên nhãn thuốc, đảm bảo sản phẩm khi thu hoạch không có dư lượng thuốc vượt
quá mức cho phép.
- Đối với rau quả xuất khẩu cần
nắm được danh mục hóa chất và mức dư lượng tối đa cho phép của quốc gia nhập
khẩu.
- Chỉ pha trộn thuốc khi cần
thiết và phải đảm bảo không làm tăng mức dư lượng.
- Rửa sạch dụng cụ phun thuốc sau
mỗi lần sử dụng, thường xuyên kiểm tra, bảo trì và sửa chữa ngay nếu bị hư
hỏng.
- Cập nhật danh mục thuốc cho phép sử dụng
trên rau quả đang trồng.
- Phát hiện có dư lượng thuốc
vượt quá mức tối đa cho phép cần tiến hành khoanh vùng và cách ly cây trồng,
đồng thời điều tra xác định nguyên nhân và có biện pháp ngăn ngừa tái nhiễm.
- Lưu giữ hồ sơ, hóa đơn
mua thuốc.
- Thường xuyên xem xét thời hạn
sử dụng thuốc.
- Thường xuyên kiểm tra kho
thuốc, phát hiện có vấn đề không an toàn cần xử lý, khắc phục ngay (nóng quá,
ẩm ướt, rò rỉ,...).
31. Hỏi: Vai trò của khâu thu hoạch trong GAP như thế nào?
Đáp: Ngoài các nội dung về sản xuất trên đồng ruộng,
GAP cũng rất chú ý đến khâu thu hoạch, bởi thu hoạch cũng mang nhiều yếu tố có
thể ảnh hưởng đến chất lượng và vệ sinh an toàn cho sản phẩm, nhất là với rau
quả
Thu hoạch không đúng lúc làm giảm
chất lượng rau quả, đôi khi còn để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nếu thu
hoạch sớm chưa hết thời gian cách ly.
Ô nhiễm phân động vật trên sản
phẩm khi thu hoạch do chăn thả gia súc ở khu vực gieo trồng gần ngày thu hoạch, gần
nơi tập trung đóng gói. Chăn thả gia súc gần nơi cung cấp nước rửa hoặc chim
chóc đậu trên khu vực thu hoạch cũng có thể gây ô nhiễm.
Sản phẩm thu hoạch đặt xuống đất,
dụng cụ vật liệu khi thu hoạch không sạch sẽ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm
sản phẩm.
Từ các nguy cơ trên, để đảm bảo
sản phẩm sạch sẽ, an toàn trước khi đến với người tiêu dùng, GAP đề ra nhiều
biện pháp cần thực hiện trong khi thu hoạch.
32. Hỏi: Các biện pháp cần thực hiện trong khi thu hoạch theo GAP là gì?
Đáp: Trong khâu thu hoạch,
GAP đề ra 9 tiêu chí cần thực
hiện, trong đó có 6 tiêu chí chính yếu, 1 tiêu chí thứ yếu và 2 tiêu chí đề
nghị.
- Các tiêu chí chính yếu gồm:
+ Cần nhận xét đánh giá khả năng
rủi ro gây ô nhiễm sản phẩm ở thời gian và địa điểm thu hoạch. Sự
đánh giá này dựa trên cơ sở các yếu tố vệ sinh trong điều kiện thu hoạch (như
trình bày ở
câu trên).
+ Kiểm tra các yếu tố vệ sinh
trong thời gian thu hoạch và trước khi vận chuyển sản phẩm ra khỏi cơ sở sản xuất.
+ Dụng cụ và vật chứa sử dụng khi
thu hoạch cần chùi rửa sạch sẽ. Nếu sử dụng qua nhiều năm cần khử trùng mỗi năm
ít nhất 1 lần.
+ Sản phẩm sau khi thu hoạch cần
được che đậy và không để qua đêm trong vườn. Kho tạm giữ ở cơ sở sản
xuất cũng phải khô ráo, sạch sẽ.
+ Các xe vận chuyển trong khi thu
hoạch nếu còn được dùng cho các công việc khác phải có lịch trình chùi rửa, bảo
trì để khi sử dụng thu hoạch không còn các yếu tố gây mất vệ sinh an toàn cho
sản phẩm.
+ Trang thiết bị cho người thu
hoạch cũng phải sạch sẽ, có nơi rửa chân tay không xa quá 500 m.
- Điểm
thứ yếu cần chú ý là: nơi vệ sinh cố định hoặc di động cho người thu hoạch phải
sạch sẽ và cũng không xa quá 500 m.
- Các điểm đề nghị thực hiện là:
+ Nên có dụng cụ chỉ dùng riêng
cho thu hoạch và chứa đựng sản phẩm, đặc biệt không dùng dựng thuốc bảo vệ thực
vật, hóa chất tẩy rửa, dầu nhớt và thực phẩm.
+ Nước và nước đá dùng khi thu
hoạch, bao gói cũng phải đảm bảo vệ sinh.
33. Hỏi: Vận hành sản phẩm gồm các khâu gì và có vai trò như thế nào
trong thực hiện GAP?
Đáp:
Vận hành sản phẩm gồm các khâu
đóng gói, bảo quản và vận chuyển.
Đây là nội dung thứ 10 trong hệ
thống các qui định của GAP.
Nhiều trường hợp trong quá trình
sản xuất ngoài đồng ruộng đảm bảo sạch sẽ, an toàn nhưng khi đóng gói, bảo quản
và vận chuyển vẫn có thể làm sản phẩm bị ô nhiễm.
Sự ô nhiễm từ các khâu này thường
là do các vật liệu đóng gói và sản phẩm không sạch sẽ, nguồn nước sử dụng không
đảm bảo vệ sinh, nơi đống gói không sạch sẽ hoặc gần nơi vận hành máy móc. Vận
chuyển rau quả chung với gia súc hoặc các đồ vật, sản phẩm khác cũng có thể làm
lây nguồn ô nhiễm. Rau quả bị dập nát, xây xát khi đóng gói và vận chuyển làm
giảm chất lượng và tăng nguy cơ bị ô nhiễm.
34. Hỏi: Trong các khâu đóng gói, bảo quản và vận chuyển rau, quả GAP
yêu cầu thực hiện những vấn đề gì?
Đáp: Trong các khâu này GAP yêu cầu thực hiện đến 30 tiêu chí, trong đó có 12 tiêu
chí chính yếu, 13 tiêu chí thứ yếu và 5 tiêu chí đề nghị.
- Một số tiêu chí chính yếu gồm
có:
+ Các phương tiện dùng vận chuyển
sản phẩm trong khi thu hoạch nếu trước đó có dùng vào các công việc khác cần
chùi rửa sạch sẽ.
+ Nguồn nước trước khi dùng rửa
rau quả phải được kiểm tra chấp nhận là an toàn theo qui định của Tổ chức Y tế
thế giới hoặc cơ quan có thẩm
quyền trong nước.
+ Nước tái sử dụng để rửa cho các
lô sản phẩm cuối cùng cũng phải được xử lý lại bằng thanh lọc, tiệt trùng, do
độ pH. Hệ thống lọc nước thải đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo có thể lọc sạch các
dung dịch huyền phù và chất rắn. Sau đó phải được kiểm tra lại và ghi chép đầy
đủ số liệu.
+ Các biện pháp xử lý sau thu
hoạch như dùng nhiệt độ, hóa chất, chất sáp, ngày xử lý, ngày đóng gói và vận
chuyển cần ghi rõ trên nhãn hiệu của thùng chứa sản phẩm.
+ Các hóa chất và thuốc bảo vệ
thực vật dùng xử lý sản phẩm sau thu hoạch phải có trong danh mục được phép sử
dụng của Nhà nước, của EUREPGAP hoặc tổ chức Lương Nông thế giới (FAO).
+ Có tài liệu lưu trữ đảm bảo
rằng trong vòng 12 tháng trước khi thu hoạch không sử dụng các hóa chất và
thuốc bảo vệ thực vật theo qui định của GAP bị cấm ở các nước Châu Âu nếu sản
phẩm xuất sang các nước này.
+ Lô sản phẩm đã xử lý phải được
ghi chép lưu trữ trong hồ sơ sau thu hoạch. Trong hồ sơ xử lý sau thu hoạch ghi
rõ:
* Vị
trí nơi xử lý.
* Ngày xử lý.
* Phương pháp xử lý (phun xịt,
ngâm, xông hơi).
* Tên thương mại, thành phần
thuốc dùng xử lý và tên nhà sản xuất.
* Khối lượng thuốc đã dùng xử lý.
- Các tiêu chí thứ yếu có thể tóm
tắt trong các vấn đề sau:
+ Ghi chép và lưu giữ hồ sơ cập
nhật về đánh giá các yếu tố vệ sinh có thể gây rủi ro trong quá trình đóng gói,
bảo quản và vận chuyển sản phẩm từ cơ sở sản xuất.
+ Nhà vệ sinh cho công nhân phải
sạch sẽ.
+ Công nhân được hướng dẫn về an
toàn vệ sinh khi làm việc (quần áo, bao tay, vệ sinh móng tay, không hút thuốc,
không khạc nhổ bừa bãi).
+ Người chịu trách nhiệm kỹ thuật
xử lý theo thu hoạch phải có chứng nhận đào tạo chuyên môn.
+ Tên người trực tiếp xử lý phải
ghi trong hồ sơ xử lý.
+ Tên đối tượng sâu bệnh xử lý
cũng phải ghi rõ.
+ Có tài liệu văn bản về các chất
sáp và thuốc bảo vệ thực vật được phép dùng để xử lý rau quả sau thu hoạch được
cập nhật đến thời điểm xử lý.
+ Có hồ sơ lưu trữ ghi chép về
việc bảo trì, sửa chữa, lau chùi máy móc, thiết bị, kho tàng dùng cho việc thu
hoạch, bảo quản và vận chuyển.
+ Các chất dùng lau chùi, tẩy rửa
sản phẩm cũng phải là những chất được sử dụng.
+ Các bóng đèn và vật liệu sử
dụng phải được bảo vệ để tránh lây nhiễm vào sản phẩm khi chúng bị vỡ.
+ Quản lý không để các con vật
nuôi vào khu đang thu hoạch và đóng gói.
- Các tiêu chí đề nghị thực hiện
gồm có:
+ Các chất thải và sản phẩm bị
thải loại cần thu gom tập trung lại và xử lý.
+ Có qui định về việc vận hành và
xử lý các thiết bị và vật liệu dễ vỡ như thủy tinh, nhựa cứng.
+ Phân tích chất lượng nước sử
dụng nên chọn những phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn và đạt chứng nhận ISO
17025.
+ Các sàn rửa sản phẩm nên thiết
kế trống và có độ dốc để dễ thoát hết nước.
+ Các chất dùng tẩy rửa, lau chùi
được giữ tách biệt với nơi đóng gói sản phẩm.
35. Hỏi: Khi đóng gói, bảo quản và vận chuyển sản phẩm cần chú
ý những vấn đề gì để thực hiện được các tiêu chí do GAP đề ra?
Đáp:
- Trước hết là các thiết bị, vật
tư, dụng cụ và thùng chứa sử dụng cho sản phẩm phải sạch sẽ không dính các chất
nguy hiểm. Phải chắc chắn để không bị vỡ, hoặc rò rĩ. Không làm từ các chất độc
hại, phải để nơi riêng biệt ngăn cách với kho đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực
vật, phân bón.
- Các dụng cụ đựng hóa chất phải
đánh dấu để không dùng chung với đựng sản phẩm.
- Sau khi đóng gói sản phẩm, các
thùng chứa không được đặt trực tiếp xuống đất.
- Nhà xưởng và các công trình
phục vụ cho việc đóng gói và bảo quản cần thiết kế chắc chắn, đảm bảo yêu cầu
của công việc, dễ thoát nước và sạch sẽ. Có khu vệ sinh cho công nhân.
Nhân viên và công nhân phải được
huấn luyện về vấn đề vệ sinh cá nhân khi làm việc và tiếp xúc với sản phẩm.
Kiểm soát được các động vật không
cho vào khu đóng gói, xử lý.
Sử dụng các chất xử lý phải tuân
thủ hướng dẫn trên nhãn.
Nước sử dụng phải đảm bảo không ô
nhiễm, tương đương với tiêu chuẩn nước uống.
Thùng chứa sản phẩm khi vận chuyển
phải được chèn giữ chắc chắn, không làm dập nát sản phẩm, không bị vỡ để rơi
vãi. Không vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa khác.
36. Hỏi: Trong thực hiện GAP, vai trò của việc quản lý chất thải ô
nhiễm và các công việc cần làm là gì?
Đáp:
Trong khu vực làm việc và sinh
hoạt thường xuyên có các chất thải. Đó là các chế phẩm khi lựa chọn đóng gói,
các bao bì hư hỏng, các rác thải sinh hoạt và nhiều loại phế phẩm khác. Các
chất thải này thường có chứa các tác nhân hóa học, sinh học và vật lý có thể
làm ô nhiễm sản phẩm.
Trong việc quản lý chất thải GAP
nêu ra 6 tiêu chí đề nghị thực hiện, bao gồm:
+ Tất cả các chất thải trong
trang trại hoặc khu vực cần lập thành danh sách để mọi người lưu ý.
+ Các nguồn gây ô nhiễm tiềm tàng
trong quá trình sản xuất (dư lượng phân bón, khói thải) cũng cần lập danh mục.
+ Có lộ trình kế hoạch giảm thiểu
các nguồn chất thải.
+ Có biện pháp và hành động thực
tế để giảm chất thải.
+ Các rác thải nơi đóng gói và
bảo quản cần được thường xuyên thu dọn sạch sẽ.
+ Các chất thải cần được phân
loại và có khu chứa riêng cách xa nơi đóng gói và nơi bảo quản sản phẩm, đảm
bảo không lây ô nhiễm cho sản phẩm.
37. Hỏi: Tại sao phải đưa nội dung về sức khỏe và an sinh xã hội của
người lao động trong việc thực hiện GAP?
Đáp:
Người lao động bao gồm nông dân,
công nhân và nhân viên ở trang
trại và cơ sở đóng gói là những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Trong
công việc họ thường xuyên phải tiếp xúc với cây trồng và sản phẩm. Chỉ một sơ
suất nhỏ trong thao tác của họ cũng có thể dẫn đến làm giảm chất lượng và sự an
toàn của sản phẩm. Bồi dưỡng kiến thức, chăm sóc sức khỏe và đời sống cho người
lao động để họ nhận thức đầy đủ trách nhiệm, hiểu biết về công việc, có đủ sức
khỏe và yên tâm làm việc, góp phần quan trọng vào việc sản xuất ra các sản phẩm
có chất lượng và an toàn.
Các rủi ro làm mất vệ sinh an
toàn thực phẩm về phía người lao động là do không thực hiện đúng các quy định
trong quy trình kỹ thuật và thao tác khi sản xuất trên đồng ruộng và khi tiếp
xúc với sản phẩm trong quá trình đóng gói, vận chuyển hoặc người đang có bệnh mà tiếp xúc với sản phẩm.
Để tránh các rủi ro về phía người
lao động trước hết cần đào tạo, hướng dẫn cho họ nắm vững các thao tác đồng
thời tạo điều kiện làm việc tốt (như phương tiện, dụng cụ đầy đủ, bảo hộ lao
động, phúc lợi xã hội và thu nhập), chế độ chăm sóc sức khỏe (khám và chữa
bệnh). Ngoài ra cũng cần có một hệ thống biện pháp, quản lý thích hợp, đề cao ý
thức kỷ luật trong lao động, tránh tùy tiện, đại khái. Như đã đề cập ở các phần trên, các nội dung và vấn đề mà GAP
đề ra khá nhiều và chi tiết, người lao động mà thiếu hiểu biết, thiếu tinh thần
trách nhiệm và thiếu phương tiện, điều kiện thì khó thực hiện được. Vì vậy có
thể nói, người lao động là yếu tố quyết định trong việc thực hiện các tiêu
chuẩn của GAP, phải chăm sóc tốt cho họ.
38. Hỏi: Vậy trong việc chăm sóc người lao động, GAP đề ra những yêu
cầu gì?
Đáp:
Tất cả có 24 tiêu chí mà GAP yêu
cầu thực hiện, trong đó có 2 tiêu chí chính yếu, 13 tiêu chí thứ yếu và 9 tiêu
chí đề nghị.
- Các tiêu chí chính yếu là:
+ Có đủ đồ bảo hộ lao động phù hợp
với công việc và sử dụng tốt (ủng cao su, quần áo không thấm nước, găng tay cao
su, khẩu trang, mặt nạ, kính bảo hiểm, nón mũ...).
+ Đồ bảo hộ được cất giữ nơi
riêng, thông thoáng, sạch sẽ, tách biệt với nơi để thuốc BVTV và hóa chất.
- Các tiêu chí thứ yếu gồm có:
+ Có danh sách các công nhân tham
gia các khóa đào tạo về phòng chống tai nạn, kèm theo bản sao chứng chỉ.
+ Có văn bản hướng dẫn cho công
nhân về các việc phải làm khi xảy ra tai nạn.
+ Có hộp thuốc y tế sơ cứu để gần
nơi làm việc.
+ Có thủ tục bằng văn bản mô tả
các bước tiến hành và các địa chỉ, số điện thoại cần liên hệ khi có tình trạng
khẩn cấp hoặc xảy ra tai nạn (cảnh sát, bệnh viện, cứu hỏa).
+ Có văn bản hướng dẫn các biện
pháp sơ cứu, chăm sóc người bị nạn để gần kho chứa thuốc BVTV và nơi mọi người
dễ dàng nhận biết.
+ Có quy định về việc giữ gìn và
giặt giũ đồ bảo hộ lao động.
+ Có quy định về việc sử dụng đồ
bảo hộ lao động khi làm việc.
+ Ở nơi lưu trữ và thường
xuyên pha chế thuốc BVTV phải có nước sạch để rửa và dụng cụ sơ cứu không cách
xa quá 10 m.
+ Những người phun xịt thuốc BVTV
đều phải qua các đợt tập huấn về phòng chống tai nạn.
+ Có các bảng báo hiệu về mối
nguy hiểm đặt cạnh cửa ra vào các kho chứa thuốc BVTV và phân bón.
+ Có hồ sơ lưu trữ chứng minh
rằng người quản lý tuân thủ các luật định hiện hành về sức khỏe, an toàn lao
động và phúc lợi xã hội của người lao động.
+ Mọi người lao động trong trang
trại phải có nơi ở
đảm bảo, có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước thải và khu vệ sinh.
+ Những người đến liên hệ công
việc hoặc tham quan cũng cần được thông báo về các yêu cầu vệ sinh và an toàn
lao động của cơ sở bằng các bảng hiệu đặt nơi dễ dàng thấy được.
- Các tiêu chí đề nghị thực hiện
gồm có:
+ Có hồ sơ nhận xét đánh giá về
khả năng có thể xảy ra rủi ro về phía người lao động dựa theo các luật định của
Nhà nước.
+ Xây dựng một kế hoạch hành động
để ngăn ngừa rủi ro.
+ Có ghi chép lưu trữ cho từng
công nhân về các khóa đào tạo đã qua.
+ Thường xuyên ở cơ sở phải có ít nhất một người được đào tạo
và đã có kinh nghiệm thực tế về sơ cứu tai nạn ở các
địa điểm sản xuất.
+ Người mới đến nhận việc phải
được hướng dẫn ngay
về an toàn lao động.
+ Có bằng chứng cho thấy khách
đến thăm viếng được thông báo về vệ
sinh cá nhân (tài liệu, hướng dẫn, ảnh chụp...).
+ Nội dung của các biển cảnh báo
cần chỉ ra các mối nguy tiềm tàng như các hố rác thải, các thùng hóa chất,
nhiên liệu, các địa điểm mới được phun thuốc BVTV.
+ Khám sức khỏe định kỳ cho người
làm công việc phải tiếp xúc thường xuyên với thuốc BVTV (thủ kho, người pha
chế, người phun xịt).
+ Mỗi
năm có ít nhất 2 lần họp người lao động phản ánh các vấn đề về bảo hộ lao động
và phúc lợi xã hội ở cơ sở cùng ý kiến của người cổ trách nhiệm quản lý. Tất
cả được ghi thành vân bản và lưu giữ.
39. Hỏi: Về phía người lao dộng cần chú ý những gì trong việc bảo vệ sức
khỏe và an toàn lao dộng khi thực hiện GAP?
Đáp: Qua các điểm nêu ra trên đây có thể thấy rõ GAP không những nhằm bảo
vệ tốt sản xuất và sản phẩm mà còn rất quan tâm đến sức khỏe của người lao
động. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động cần thực hiện đầy đủ các quy
định của GAP và yêu cầu người quản lý lao động cũng phải nghiêm túc thực hiện.
+ Trước
hết người lao động phải tự giác tham gia đầy đủ các khóa huấn luyện để nâng cao
nhận thức và nắm được các biện pháp an toàn lao động.
+ Khi
làm việc cần phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động như phải mang đồ
bảo hộ, thao tác công việc đúng quy trình kỹ thuật và an toàn lao động, nhất là
với các công việc dễ xảy ra rủi ro (vận hành máy móc, phun thuốc BVTV...).
+ Phát
hiện những thiếu sót và đề xuất biện pháp giải quyết với
người có trách nhiệm ở cơ sở.
+ Giữ
gìn tốt các đồ bảo hộ lao động cá nhân.
+ Khi
có triệu chứng bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với sản phẩm và tiến hành chữa trị.
40. Hỏi: Môi trường có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện GAP?
Đáp:
Môi trường bao gồm các yếu tố về
đất, nước, không
khí và cả các sinh vật khác cùng sinh sống. Các yếu tố này có liên quan chặt
chẽ đến các hoạt động sản xuất. Để sản xuất phát triển bền vững và đảm bảo an
toàn cho đời sống con người phải chú ý bảo vệ môi trường. Môi trường trong lành
cũng là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo sạch sẽ và an toàn cho sản phẩm nông
nghiệp. Vì vậy bảo vệ môi trường được
đặt thành một nội dung cần chú ý trong yêu cầu của GAP.
GAP yêu cầu trong quá trình sản
xuất phải bảo vệ, không được làm suy
thoái và ô nhiễm các yếu tố môi trường.
Trong đó, GAP lưu ý các biện pháp duy trì và bồi dưỡng độ phì nhiêu của đất,
giữ gìn sự trong sạch của nguồn nước và không khí, bảo tồn các động vật hoang
dã và đa dạng sinh học, cải thiện điều kiện sống cho người lao động và cộng
đồng cư dân sinh sống ở địa bàn.
Khi thực hiện GAP cần lưu ý các
nguồn gây ô nhiễm có thể tiềm ẩn từ môi trường như đất, nước, không khí, và các
sinh vật khác. Phải điều tra đánh giá các rủi ro có thể xảy ra từ môi trường để
có biện pháp ngăn ngừa. Nơi nào môi trường chưa đảm bảo thì chưa tiến hành sản
xuất.
41. Hỏi: GAP đề ra những tiêu chí gi cần để bảo vệ môi trường?
Đáp:
Đây là nội dung thứ 13 trong các
vấn đề mà GAP đề ra. Các yếu tố về đất và nguồn nước, GAP đã nêu khá chi tiết
trong các nội dung trước. Trong nội dung này, GAP chủ yếu nêu ra các điểm cần
chú ý về bảo vệ đa dạng sinh học. Có 9 tiêu chí cần thực hiện, trong đó có 1
tiêu chí thứ yếu và 8 tiêu chí đề nghị.
- Tiêu chí thứ yếu cần chú ý là:
có hồ sơ lưu trữ các công bố về bảo tồn động vật hoang dã của quốc gia và địa
phương để quan tâm bảo vệ.
- Các tiêu chí đề nghị được tóm
tắt vào các vấn đề sau:
+ Các chủ cơ sở cần có hiểu biết
và có năng lực hạn chế các ảnh hưởng xấu của môi trường đến sản xuất nông
nghiệp nói chung cũng như trong địa bàn.
+ Cần có kế hoạch hành động bảo
vệ môi trường ở các khu vực tiến hành sản xuất như bảo tồn động vật hoang dã,
bảo tồn hệ thực vật, hệ sinh vật có ích (chủ yếu là các loại thiên địch), nâng
cao sự đa dạng sinh học ở địa bàn.
+ Trong kế hoạch có danh sách các
điểm ưu tiên chú ý
+ Bảo tồn hệ động — thực vật ở
khu vực không sản xuất.
+ Nội dung, mục tiêu của kế hoạch
phù hợp với hiện trạng địa phương trên cơ sở yêu cầu chung của nền nông nghiệp
bền vững.
42. Hỏi: Tại sao GAP đề ra nội dung khiếu nại và để thực hiện khiếu nại cần làm gì?
Đáp: Khiếu nại là nội dung thứ 14, nội dung cuối cùng mà
GAP đề ra. Trong thực tế có khi người tiêu dùng nhận được những sản phẩm không
đạt tiêu chuẩn như cam kết. Trường hợp này sẽ xảy ra khiếu nại. Từ yêu cầu
khiếu nại mà truy nguyên nguồn gốc, tìm ra nguyên nhân để có biện pháp khắc
phục và ngăn ngừa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao trách nhiệm
của người sản xuất, làm cho quá trình thực hiện GAP được trọn vẹn.
Trong nội dung khiếu nại chỉ có 2
điều là chính yếu:
+ Có mẫu đơn khiếu nại theo quy
định của GAP có sẵn ở cơ sở khi được yêu cầu.
+ Có hồ sơ lưu trữ các vấn đề
khiếu nại và biện pháp giải quyết có liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ.
Trên đây chúng ta đã tìm hiểu
những điểm cơ bản trong 14 nội dung thực hiện GAP do GLOBALGAP đưa ra. Các nội
dung trên với nhiều điểm chi tiết đã bao gồm toàn bộ các vấn đề trong quá trình
sản xuất và cung ứng từ đầu đến cuối, đảm bảo có sản phẩm chất lượng tốt và
thực sự an toàn đối với người tiêu dùng. Điều này phản ánh một trình độ cao
trong sản xuất và quản lý, một trách nhiệm đầy đủ với con người.
43. Hỏi: Để kiểm soát việc thực hiện các nội dung, GAP đề ra những biện
pháp gì?
Đáp:
Để thực hiện các nội dung đề ra,
ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền,
phổ biến, GAP đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát. Bởi có kiểm soát tốt mới
thúc đẩy mọi người nghiêm túc thực hiện và mới phát hiện được chính xác các
nguyên nhân gây ra rủi ro để có biện pháp khắc phục ngăn ngừa hậu quả. Các biện
pháp kiểm soát GAP nêu ra cũng khá đầy đủ và nghiêm ngặt, là yêu cầu quan trọng
phải thực hiện song song với 14 nội dung.
Trong việc kiểm soát, GAP tập
trung các vấn đề chủ yếu sau:
a. Xây dựng hệ thống biểu mẫu ghi chép
Các biểu mẫu này bao gồm tất cả
các vấn đề cần thực hiện trong 14 nội dung đã nêu, nhất là với các vấn đề chính
yếu và thứ yếu. Trong các biểu mẫu có đề mục chi tiết mà phải thực sự làm mới
có thể ghi chép được. Các đề mục này có sự liên hệ với nhau, giúp phát hiện
những số liệu thiếu chính xác. Ở mỗi biểu mẫu đều ghi tên và chữ ký của người
thực hiện và kiểm tra xác nhận. Những nông dân và cơ sở thực hiện GAP đều được
phổ biến và hướng dẫn cách ghi chép biểu mẫu, đối với những người và cơ sở mới
đăng ký thực hiện GAP đây là công việc khó khăn, đòi hỏi quyết tâm và kiên trì.
b. Thành lập hệ thống kiểm tra
Bao gồm hệ thống kiểm tra nội bộ
và kiểm tra các cấp. Trong đó quan trọng nhất là kiểm tra nội bộ với đội ngũ
kiểm soát viên có ở cơ sở. Kiểm soát viên cơ sở là người thường xuyên bám sát hoạt
động sản xuất thực tế. Các kiểm soát viên cần có những hiểu biết nhất định về
kỹ thuật sản xuất và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nắm được các điều kiện
và tập quán sản xuất ở địa phương, có tinh thần trách nhiệm. Kiểm soát viên đều phải
qua các khóa huấn luyện.
Nhiệm vụ của kiểm soát viên cơ sở
là theo dõi nhắc nhở người lao động thực hiện đúng các quy định và xác nhận vào các biểu mẫu ghi chép, khi cần thiết
có thể giải trình, xác định, nguyên nhân rủi ro.
Kiểm soát viên cơ sở có thể là
chủ vườn hoặc nhân viên, công nhân chọn từ các tổ nhóm sản xuất, số lượng kiểm
soát viên cơ sở tùy theo quy mô sản xuất, làm sao đảm bảo được yêu cầu của việc
kiểm tra. Ngoài ra có thể có sự tham gia hỗ trợ của cán bộ Nhà nước, nhất là
thời gian đầu mới thực hiện.
c. Lưu trữ hồ sơ
Hồ sơ gồm có:
- Các tài liệu hướng dẫn về việc
thực hiện qui trình sản xuất, các quy định tiêu chuẩn, các điểm cần kiểm tra
theo GAP và của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyển của Nhà nước. Các văn bản
tài liệu cần cập nhật thường xuyên tại thời điểm thực hiện.
- Các biểu mẫu ghi chép về các
nội dung đã thực hiện, có xác nhận của kiểm soát viên.
- Các biên bản kiểm tra, phân
tích đánh giá về các mối nguy có thể hoặc đã xảy ra, ghi rõ biện pháp khắc
phục.
- Các hợp đồng, hóa đơn về mua
bán sản phẩm, vật liệu, các chứng từ kiểm tra, bảo trì, sửa chữa máy móc, thiết
bị.
- Các biên bản có liên quan đến
mọi hoạt động sản xuất của cơ sở.
Những tài liệu này được sắp xếp
theo từng nội dung, chủ đề và phải được lưu trữ trong thời gian ít nhất 1 năm,
có vấn đề cần phải lưu trữ lâu hơn. Việc lưu trữ cũng phải giao cho người có
trách nhiệm quản lý.
Lưu trữ hồ sơ là công việc quan
trọng bắt buộc các hộ và đơn vị sản xuất phải thực hiện, giúp cho việc kiểm
tra, truy nguyên nguồn gốc và nguyên nhân khi có sự cố.
d. Cơ sở phân tích kiểm nghiệm
Các cơ sở sản xuất phải liên hệ với các phòng
thí nghiệm đạt tiêu chuẩn để phân tích kiểm nghiệm các yếu tố môi trường sản xuất,
các vật liệu sử dụng và sản phẩm sau thu hoạch, xem có đạt tiêu chuẩn quy định
không. Đây là chứng nhận có tính chất khoa học, chính xác để chứng minh sự an
toàn của các điều kiện sản xuất và của sản phẩm, là cơ sở quyết định nguyên
nhân của các rủi ro.
44. Hỏi: Các điểm giống và khác nhau giữa việc áp dụng GAP với sản xuất
rau quả an toàn và quản lý dịch hại tổng hợp IPM là gì?
Đáp: Áp dụng GAP cũng như sản xuất rau an toàn và biện pháp IPM đều nhằm mục
tiêu chung là để có những sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Để
đạt mục tiêu này phải tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác, quản lý sản
xuất và tổ chức đóng gói, vận chuyển. Tuy cùng nhằm mục tiêu chung nhưng giữa
GAP với sản xuất rau quả an toàn và IPM nhấn mạnh vào các biện pháp chủ yếu
riêng với mức độ yêu cầu khác nhau.
Về các biện pháp chủ yếu, GAP
quan tâm nhiều hơn đến khâu tổ chức và quản lý sản xuất an toàn từ đồng ruộng
cho đến khi tới tay người tiêu dùng, bao gồm cả việc truy nguyên được nguồn gốc
của sản phẩm và nguyên nhân của sự mất an toàn. Sản xuất rau quả an toàn theo
IPM chưa đề ra biện pháp quản lý, truy nguyên nguồn gốc và nguyên nhân. Quản lý
dịch hại trên cây trồng bằng một giải pháp đơn độc là không khả thi và mang lại
nhiều bất lợi khác. Do vậy IPM chủ yếu áp dụng nhiều biện pháp để quản lý các
đối tượng dịch hại, một yếu tố quan trọng dể có sản phẩm rau an toàn.
Tuy nhiên về mức độ yêu cầu thực
hiện các biện pháp thì với GAP thực hiện chặt chẽ hơn, thể hiện ở các biểu mẫu
ghi chép về một hệ thống kiểm soát được quy định cụ thể đến từng khâu. Với sản
xuất rau quả an toàn thì các điều kiện sản xuất như đất đai, nguồn nước, cơ sở
đóng gói và mức độ ô nhiễm sản phẩm cũng phải kiểm tra xác nhận nhưng chưa chặt
chẽ để có thể truy tìm được nguồn gốc sản phẩm và nguyên nhân cụ thể gây ra ô
nhiễm như với GAP. Với IPM chủ yếu còn ở mức khuyến cáo, dựa trên sự hiểu biết
và tự giác của người sản xuất.
Tóm lại, IPM là cơ sở kỹ thuật
của sản xuất rau quả an toàn. Còn GAP thì yêu cầu rau quả an toàn phải có đủ hồ
sơ chứng minh và có thể kiểm soát được. Tiêu chuẩn rau quả an toàn và tiêu
chuẩn GAP đều dựa vào các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với rau quả do
quốc tế hoặc từng quốc gia đưa ra.
Mối quan hệ giữa IPM, rau quả an
toàn và GAP có thể tóm tắt như sau:
IPM+ các điều kiện sản xuất → rau quả an toàn + hệ
thống kiểm soát→ GAP
45. Hỏi: Có gì khác nhau giữa EUREPGAP, GLOBALGAP và VietGAP
Đáp:
Như phần trên đã trình bày, GAP
là thực hành nông nghiệp tốt do các nhà bán lẻ châu Âu (EUREP) đưa ra đầu tiên vào năm 1997. Sau đó được
nhiều nước trên thế giới chấp nhận thực hiện. Vì vậy đến năm 2007, EUREPGAP
được đổi tên thành GLOBALGAP, tức là GAP áp dụng cho toàn cầu. Như vậy các yêu
cầu và nội dung của GLOBALGAP cũng giống như EUREPGAP. Các sản phẩm được chứng
nhận GLOBALGAP có thể được tiêu thụ ở châu Âu và cả thế giới, ngoại trừ một ít
nước có tiêu chí khắt khe hơn. Chẳng hạn về mức dư lượng hóa chất (như Nhật,
Mỹ).
Ở nước ta, trên cơ sở và nội dung
của GLOBALGAP và kinh nghiệm của các GAP đi trước, năm 2008 Nhà nước đã xây
dựng tiêu chuẩn GAP cho Việt Nam với tên gọi là VietGAP. Quy trình thực hiện
VietGAP đã có với rau, quả tươi, chè và lúa, sau đó tiếp tục với các nông sản
khác và thủy sản, nhất là các mặt hàng xuất khẩu nhiều và dễ bị ô nhiễm.
Như vậy là về cơ bản VietGAP cũng
giống EUREPGAP, GLOBALGAP và các GAP khác. Nắm được yêu cầu, nội dung của
EUREPGAP là nắm được các yêu cầu, nội dung của GLOBALGAP và VietGAP. Tuy vậy,
trong VietGAP có một số chi tiết thay đổi cho phù hợp với thực tế nước ta.
46. Hỏi: Những chi tiết có thay đổi của VietGAP là gì?
Đáp: Có 2 thay đổi căn bản là:
- Từ nội dung của EUREPGAP, VietGAP rút gọn lại còn
12 nội dung.
- Số lượng các tiêu chí kiểm tra đánh giá cũng gọn
lại. Đối với rau, quả tươi, EUREPGAP đề ra tới 210 tiêu chí, VietGAP cũng rút
lại còn 65 tiêu chí, trong đó 56 tiêu chí loại A bắt buộc thực hiện và 9 tiêu
chí loại B khuyến khích thực hiện. Đối
với chè cũng gồm 12 nội dung như trên nhưng chỉ có 58 tiêu chí với 50 tiêu chí
loại A và 8 tiêu chí loại B. VietGAP chú ý đến những tiêu chí quan trọng của EUREPGAP thích hợp với điều kiện
nước ta và nông dân ta. Các cơ sở thực hiện VietGAP sẽ được phổ biến cụ thể về nội dung và tiêu chí
này.
Cụ thể 12 nội dung của VietGAP
đối với rau, quả tươi là:
1. Đánh giá và lựa chọn vùng sản
xuất có 3 tiêu chí loại A.
2. Giống và gốc ghép: 2
tiêu chí loại A.
3. Quản lý đất và giá thể có 4
tiêu chí (2A và 2B).
4. Phân bón và chất phụ gia có 5
tiêu chí loại A.
5. Nước tưới có 2 tiêu chí loại
A.
6. Sử dụng hóa chất (bao gồm cả
thuốc BVTV) có 13 tiêu chí (10A và 3B).
7. Thu hoạch và xử lý sau thu
hoạch có 16 tiêu chí loại A.
8. Quản lý và xử lý chất thải có
1 tiêu chí loại A.
9. Người lao động có 7 tiêu chí
(4A và 3B).
10. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy
nguyên nguồn gốc
và thu hồi sản phẩm có 6 tiêu chí loại A.
11. Kiểm tra nội bộ có 4 tiêu chí (3A và 1B).
12. Khiếu nại và giải quyêt khiếu
nại có 2 tiêu chí loại A.
Thực hiện được các nội dung và
tiêu chí của VietGAP cũng tức là thực hiện được các yêu cầu cơ bản của
GLOBALGAP và EUREPGAP.
47. Hỏi: Quá trình
đăng ký và thực hiện GAP tiến hành như thế nào?
Đáp: Để đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tăng cường xuất khẩu cần thiết phải mở rộng
thực hiện GAP. Thời gian tới ngày càng có nhiều nông dân và đơn vị đăng ký thực
hiện GAP.
Quá trình đăng ký và thực hiện
GAP tiến hành theo những bước sau:
a. Kiểm tra đánh giá các điều kiện tự nhiên và xã
hội.
- Về điều kiện tự nhiên chủ yếu
là đất đai, nguồn nước và giao thông.
Kiểm tra đánh giá đất đai bao gồm
quy mô và vị trí, tính chất đất, đặc biệt là đất có chứa các yếu tố ảnh hưởng
đến sự an toàn của sản phẩm không.
Kiểm tra nguồn nước bao gồm trữ
lượng nước cung cấp và tình trạng ô nhiễm nước.
Đường xá giao thông có đáp ứng và
thuận tiện cho việc chuyên chở sản phẩm không.
- Về điều kiện xã hội chủ yếu là
trình độ sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn.
Kiểm tra đánh giá cần có sự tham
gia của các cơ quan chuyên môn. Nếu có vấn đề gì tồn tại cần khắc phục cũng
phải nêu rõ khả năng và biện pháp khắc phục.
Căn cứ vào yêu cầu của GAP và kết
quả kiểm tra đánh giá nếu có đủ điều kiện thì tiến hành đăng ký thực hiện. Thủ
tục đăng ký thực hiện sẽ được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn.
b. Học tập tìm hiểu GAP: trước khi thực hiện cần tổ chức cho mọi người học tập
tìm hiểu nắm vững mục tiêu và các yêu cầu của GAP, trong đó có quy trình kỹ
thuật sản xuất sản phẩm (rau, quả, chè, lúa..) an toàn.
c. Thực hiện thử nghiệm: mục đích là để tập dượt làm quen với các quy định của
GAP. Trong thời gian tập dượt cần thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đặc biệt là
việc ghi chép của người sản xuất và hoạt động của kiểm soát viên cơ sở. Thời
gian tập dượt ít nhất là 3 tháng trước khi được công nhận.
d. Tiến hành sản xuất theo GAP: sau thời gian tập dượt, cơ quan chức năng sẽ kiểm
tra đánh giá, nếu đủ điều kiện sẽ được công nhận thực hiện GAP. Người lao động
và quản lý ở
cơ sở thực hiện tiến hành sản xuất theo các quy định của GAP để có những
sản phẩm đạt yêu cầu.
Như các phần trên đã trình bày,
các nội dung yêu cầu của GAP khá nhiều và chi tiết. Tuy vậy, hầu hết là những
công việc thao tác từng làm trong khi sản xuất, chỉ cần điều chỉnh theo quy
trình hướng dẫn. Yêu cầu và khó khăn lớn nhất là việc ghi chép lưu trữ hồ sơ và
công tác kiểm tra, nhưng nếu được chú ý và kiên trì, sẽ trở thành thói quen dễ
dàng thực hiện. Một số đơn vị có đại diện ở các nước, trong đó có nước ta, được
GLOBALGAP ủy quyền chứng nhận thực hiện GAP. Ngoài ra Cục Trồng Trọt - Bộ NN
& PTNT cũng đã chỉ định một số tổ chức chứng nhận sản xuấ
48. Hỏi:
Nhiệm vụ của người nông dân trong việc thực hiện GAP là gì?
Đáp: Nông dân là người trực tiếp lao động sản xuất ra
các sản phẩm nên có vai trò quan trọng mang tính quyết định đối với việc thực
hiện GAP, đặc biệt nông dân ở các cơ sở, các vùng có sản phẩm xuất khẩu và đăng ký GAP. Ở
đây có thể chỉ một vài người không thực hiện đúng theo GAP để sản phẩm không
đạt yêu cầu sẽ ảnh hưởng đến cả lô hàng và tín nhiệm của cả cơ sở, gây thiệt
hại rất lớn. Trách nhiệm của người nông dân trong các vùng này là:
- Tích cực học tập tìm hiểu để
nắm vững các nội dung và các điểm mà GAP yêu cầu thực hiện. Trong số 14 nội
dung với 210 điểm, có những điểm do người quản lý và có những điểm do người
nông dân phải thực hiện. Trước khi thực hiện GAP phải hiểu về IPM và phương
thức sản xuất rau quả an toàn.
- Nghiêm túc thực hiện các điểm mà GAP yêu cầu thông
qua sự hướng dẫn của kiểm soát viên. Có vấn đề gì khó khăn cần trao đổi tranh
thủ sự góp ý hỗ trợ của người quản lý và cán bộ kỹ thuật. Đặc biệt chú ý việc
ghi chép theo biểu mẫu, đúng với việc mình đã làm và lưu giữ đầy đủ.
- Đoàn kết, hợp tác giữa các hộ
nông dân trong cơ sở để cùng nhau thực hiện. Ở các cơ sở đăng ký thực hiện GAP phải đăng ký
thành lập các tổ sản xuất và các hợp tác xã, hoặc xây dựng thành các trang
trại. Chỉ có hợp tác lại với nhau mới có đủ sản phẩm trao đổi và mới có đủ điều
kiện thực hiện GAP. Nông dân phải thực hiện đúng các yêu cầu của tập thể, tiến
tới có nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp
có tín nhiệm ở trong nước và nước ngoài.
Đối với nông dân còn ở ngoài
vùng thực hiện GAP cũng cần phải tìm hiểu và tích cực chuẩn bị để làm quen dần.
Trong xu thế hội nhập quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu Nhà nước
ta cũng đã ban hành tiêu chuẩn GAP của Việt Nam trên cơ sở các tiêu chuẩn của EUREPGAP. Khi đó
không những các lô hàng xuất khẩu mà cả hàng tiêu dùng trong nước cũng phải
thực hiện theo GAP, tức là mỗi hộ nông dân muôn có sản phẩm tiêu thụ được thì
phải thực hiện GAP. Và như đã biết, GAP đề ra nhiều nội dung với các điểm yêu
cầu rất chi tiết chặt chẽ, nếu không nắm vững và được tập dượt trước thì thực
hiện sẽ rất khó khăn, chậm chạp.
49. Hỏi: Trong việc thực hiện GAP, sự liên kết giữa nhà nông với nhà khoa học và doanh nghiệp có vai
trò như thế nào?
Đáp: Các nội dung và vấn đề mà GAP yêu cầu thực hiện rất nhiều và toàn diện từ
khâu chuẩn bị sản xuất, trong suốt quá trình sản xuất cho đến thu mua đóng gói
và phân phối. Trong đó nhiều vấn đề mang tính khoa học, tính xã hội và tính
thương mại khá cao. Thực hiện các vấn đề này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa
nhiều người ở nhiều lĩnh vực có liên quan, kể cả với
người tiêu dùng. Tuy vậy mối liên kết tay ba giữa nhà nông, nhà khoa học và
doanh nghiệp (đầu vào và đầu ra) được coi là liên kết chủ chốt, do đây là ba
thành phần có vai trò quan trọng nhất trong việc thực hiện GAP. Nhà nông là
người trực tiếp làm ra sản phẩm. Nhà khoa học là người nghiên cứu, chuyển giao
kỹ thuật giúp người nông dân sản xuất ra nhiều sản phẩm tốt, đạt yêu cầu của
GAP. Nhà doanh nghiệp là người cung cấp vật tư và sau đó là tiêu thụ sản phẩm
cho nhà nông chuyển tới tay người tiêu dùng. Sự liên kết giữa “ba nhà” này không
những là điều kiện mà còn là tác động thúc đẩy sản xuất ra nhiều sản phẩm nông
nghiệp tốt cho xã hội như mục tiêu của GAP đề ra. Mối liên kết này dựa trên
tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng có lợi. Nếu mỗi bên chỉ nghĩ đến lợi
ích riêng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và hoạt động của bên kia, từ đó ảnh hưởng
đến hoạt động của toàn bộ dây chuyền và hậu quả cuối cùng là không bên nào có
lợi. Về phía nông dân cần nhận thức rõ điều này để hợp tác, tạo điều kiện cho
nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, thực hiện tốt trách nhiệm đề
ra.
Theo yêu cầu của GAP, có nhiều
vấn đề mà sự liên kết này phải thể hiện qua hợp đồng thành văn bản với các điều
khoản quy định trách nhiệm cụ thể của mỗi bên và được lưu trữ.
50. Hỏi:
Nhà nước giữ vai trò như thế nào trong việc thực hiện GAP?
Đáp: Vai trò của Nhà nước là tổ chức, điều hành và hướng dẫn ở phạm vi vĩ mô, tạo điều kiện cơ sở pháp
lý và hỗ trợ cho việc thực hiện GAP. Thể hiện ở một số điểm chính là:
- Ban hành tiêu chuẩn và quy định
về thực hiện GAP trong phạm vi cả nước. Hiện nay Nhà nước ta đã ban hành tiêu
chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kế hoạch hành dộng quốc gia đảm bảo vệ sinh
an toàn thực phẩm (2006- 2010). Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành “Thực hành
sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả và chè búp tươi an toàn - VietGAP” (năm
2008), VietGAP cho lúa (năm 2010).
- Ban hành các chính sách tạo
điều kiện cho việc thực hiện GAP như các chính sách về hỗ trợ tín dụng ngân
hàng, xây dựng cơ sở vật chất...
- Điều hòa mối liên kết giữa nông
dân với doanh nghiệp và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong việc thực hiện
hợp đồng. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hỗ trợ
việc tìm hiểu và mở rộng thị trường quốc tế, quảng cáo thương hiệu ra nước
ngoài.
- Tuyên truyền phổ biến hiểu biết
về GAP cho nông dân và mọi người qua hệ thống thông tin đại chúng và khuyến
nông quốc gia. Hàng năm Bộ Y tế tổ chức “tháng hành động vì chất lượng vệ sinh
an toàn thực phẩm” (từ 15/4-15/5).
- Quy hoạch và công bố quy hoạch
vùng sản xuất rau, quả an toàn.
- Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản
xuất nông nghiệp đăng ký và chứng nhận thực hiện GAP.
51. Hỏi: Khả năng và triển vọng áp dụng GAP ở nước ta như thế nào?
Đáp:
Để góp phần phát triển kinh tế,
nâng cao đời sống cho nông dân, Nhà nước ta rất quan tâm đẩy mạnh xuât khẩu các
sản phẩm nông nghiệp, cũng là một ưu thế của nước ta. Trong đó các nước châu Âu
là thị trường quan trọng. Sản phẩm nông nghiệp trước hết là rau và quả, muốn
vào thị trường châu Âu phải đạt tiêu chuẩn EUREPGAP hiện nay là GLOBALGAP. Hiện
tại và sắp tới nhiều nước cũng ban hành tiêu chuẩn GAP. Tình hình này buộc
chúng ta mở rộng thực hiện GAP để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Việt Nam đã gia nhập Tổ chức
thương mại thế giới (WTO) phải cam kết thực hiện các quy định của quốc tế về
kiểm định thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông sản muôn xuất khẩu phải
đảm bảo an toàn cho người tiêu thụ ở nước nhập khẩu. Sản phẩm nông nghiệp của
nước ta, trước hết là rau quả nếu được thực hiện và được chứng nhận GLOBALGAP,
VietGAP là điều kiện tốt để được xuất khẩu được sang nhiều thị trường quốc tế,
kể cả các thị trường cao cấp. Không những với sản phẩm xuất khẩu, các sản phẩm
tiêu dùng trong nước cũng cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ gìn sức
khỏe cho nhân dân ta.
Qua việc tìm hiểu và thực hiện
GAP sẽ giúp nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cần cải tiến
cách làm ăn còn nhiều điểm lạc hậu và tùy tiện của nông dân và các nhà doanh
nghiệp nước ta. Hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm và các sản phẩm rau, quả
bị nhiễm hóa chất độc hại còn phổ biến, phần lớn sản phẩm nông nghiệp của chúng
ta không xuất khẩu được cũng do không đạt tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn.
Tình hình này không những ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân mà còn gây ảnh hưởng
lớn cho thu nhập của nông dân và nền kinh tế nước nhà. Đã đến lúc phải thay đổi
cách nghĩ và cách làm cũ với nhiều biện pháp mạnh dạn tích cực hơn, trong đó
thực hiện GAP là biện pháp nhiều hiệu quả.
Các sản phẩm nông nghiệp của
chúng ta rất phong phú và có giá trị, là nguồn thu nhập quan trọng trong phân
lớn dân số và của đất nước.
Nông dân chúng ta cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất. Chúng ta có sự quan
tâm khuyến khích của Nhà nước, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của quốc tế. Đó
là những điều kiện giúp nông dân và doanh nghiệp nước ta thực hiện GAP.
Ở nước ta, năm 2008 Bộ Nông
nghiệp và PTNT đã ban hành quy trình VietGAP áp dụng cho rau, quả tươi và chè,
tháng 11 năm 2010 ban hành VietGAP cho lúa. Một số mô hình sản xuất rau, quả,
lúa theo tiêu chuẩn GLOBALGAP với sự hỗ trợ của cơ quan khoa học và doanh
nghiệp bước đầu cho kết quả tốt, cho thấy nông dân ta hoàn toàn có khả năng
tiếp thu thực hiện được GAP. Đáng chú ý như các mô hình sản xuất thanh long đạt
chứng nhận GLOBALGAP ở Bình Thuận, mô hình sản xuất cây ăn quả có xoài cát Hòa
Lộc ở nông trường Sông Hậu (Cần Thơ), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), do Viện
Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam hướng dẫn. Một số mô hình sản xuất lúa đạt chứng
nhận GLOBALGAP ở hợp tác xã Mỹ
Thành Nam (Tiền Giang) do công ty ADC tài trợ, mô hình lúa đạt chứng nhận
GLOBALGAP của hợp tác xã Hòa Lời (Sóc Trăng) do công ty Gentraco tài trợ với sự
hợp tác sản xuất theo hướng GAP của các viện, trường và doanh nghiệp. Nhiều
điểm sản xuất rau an toàn theo GAP ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hai năm qua,
Cục Trồng Trọt đã hướng dẫn nông dân trồng lúa có ghi chép sổ tay theo nội dung
GAP cho quen dần, chương trình còn có sự hợp tác của các doanh nghiệp như công
ty phân bón Bình Điền và một số công ty khác. Qua các mô hình này, chúng ta đã
rút ra được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật tổ chức, quản lý và bước đi thích hợp
để giúp cho việc mở rộng áp dụng GAP trong thời gian tới để mỗi nông dân sản
xuất lúa đều sử dụng sổ tay cho mỗi vụ.
52. Hỏi: Kết quả và kinh nghiệm áp dụng GAP ở các nước khác như thế nào?
Đáp: Nhiều nước trong khu vực có điều kiện sản xuất nông
nghiệp tương tự nước ta như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... cũng
đang tích cực thực hiện GAP với các quy định của từng nước trên cơ sở cắc tiêu chuẩn của GLOBALGAP. Các
nước này cũng thấy rằng muôn tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển nông
nghiệp bền vững thì phải tiến hành theo phương pháp của GAP. Thái Lan là nước
đã áp dụng và thu được kết quả rõ rệt.
Thái Lan là nước xuất khẩu nông
sản lớn với 3/4 dân số là nông dân. Thái Lan đã đề ra chương trình “từ đồng
ruộng đến bàn ăn” với 2 mục tiêu chiến lược cơ bản là kiểm soát vệ sinh an toàn
thực phẩm ở cả đầu vào (nhập
khẩu) và đầu ra (xuất khẩu), kết hợp đẩy mạnh khuyến khích và tổ chức thực hiện
GAP. Chương trình đề ra nhiều biện pháp cụ thể huy động sự tham gia của toàn xã
hội, bao gồm các cơ quan quản lý và nghiên cứu của Nhà nước, các doanh nghiệp
và nhà hàng, các trang trại và nông dân cùng với người tiêu dùng. Chương trình
khởi xướng từ năm 2001, qua nhiều bước chuẩn bị và thực hiện, tới nay đã thu được
nhiều kết quả và kinh nghiệm tốt về trồng trọt đã có trên 30 mặt hàng nông sản xuất
khẩu áp dụng GAP. Các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản cũng bước đầu được áp
dụng. Kinh nghiệm chủ yếu mà Thái Lan rút ra là tuy khó khăn, mất thời gian và
tốn chi phí song hiệu quả mang lại cho xã hội và đất nước là rất lớn. Trong các
yếu tố đảm bảo cho thành công đặc biệt chú ý môi liên kết giữa nông dân, nhà
khoa học và doanh nghiệp dưới sự điều hành và hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình
cho mối liên kết có hiệu quả là vùng liên kết sản xuất rau ở 4 tỉnh miền Tây Thái Lan được xây
dựng năm 2003 (gồm các tỉnh Ratchaburi, Nakormnpathom, Kamchanaburi và
Supanburi). Vùng liên kết gồm 32.200 ha với 2.000 nông dân và khoảng 100.000
vườn trồng 4 loại rau là măng tây, đậu băp, ớt và khổ qua. Thu nhập của nông
dân vùng liên kết tăng rõ rệt.
Đến năm 2006, Thái Lan đã có
433.000 nông trại đăng ký và áp dụng GAP, trong đó 140.000 trang trại đã được
chứng nhận Q-GAP. Có 34 giống rau quả với diện tích 201.000 ha đã áp dụng GAP,
trong đó nhãn trên 50.000 ha, sầu riêng 13.000 ha, xoài 8.000 ha cùng với nhiều
loại rau quả khác.
Kết quả và kinh nghiệm từ sự phát
triển chuỗi cung ứng rau quả tươi trong chương trình phát triển thực hành nông
nghiệp tốt (GAP) của Thái Lan là tài liệu tham khảo tốt cho chúng ta trong quá
trình phát triển thực hiện GAP. Đất nước và nông dân Thái Lan làm được, đất
nước và nông dân Việt Nam cũng làm được.
____________________________________________________________
PHỤ LỤC 2
BẢN HỢP ĐỔNG SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ THANH LONG
THEO HƯỚNG GAP
Căn cứ vào yêu cầu sản xuất và
tiêu thụ thanh long được sản xuất theo hướng GAP.
Hôm nay, ngày...... tháng.. năm.....
Chúng tôi gồm có :
- Bên đóng gói:
- Bên nông dân sản xuất thanh
long theo GAP
Ông (Bà):
Địa chỉ :
Hai bên thống nhất thực hiện nội
dung sau:
1. Bản hợp đồng này có giá trị trong một năm, kể từ
ngày....tháng... năm.... Ngoại trừ các trường hợp sau:
-
Nông
dân bán trang trại.
-
Những
thay đổi lớn ngoài khả năng kiểm soát.
2. Nông dân đồng ý để...... /nhân viên của nhà đóng gói kiểm tra tất cả sổ sách, hồ sơ có
liên quan đến trang trại và việc sản xuất thanh long.
3. Nông dân đồng ý thực hiện đúng những yêu cầu của
nhà đóng gói (trong mục....).
4. Mỗi năm nhà đóng gói cung cấp cho nông dân giá ước
lượng cho năm sau.
Điều
1: Trách nhiệm của nhà đóng gói:
1. Chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn
trong trang trại thông qua nhân viên của đơn vị.
2. Đảm bảo rằng những người quản lý trang trại được
tập huấn đầy đủ để vận hành sản xuất cho trang trại, có đủ thẩm quyền và trách
nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
3. Đơn vị sẽ lập hồ sơ, thiết lập và duy trì chương
trình kiểm tra nội bộ và quản lý việc thực hiện ở trang trại sản xuất theo yêu
cầu của GAP. Tổng kết kết quả kiểm tra nội bộ cho tất cả các hoạt động, chính
sách và thủ tục từng năm.
4. Đảm bảo rằng các kết quả kiểm tra nội bộ và tổng
kết hàng năm được thông báo cho từng người quản lý trang trại. Bất kỳ khiếm
khuyết nào sẽ được điều chỉnh theo thời gian và hiệu quả của những điều chỉnh
này sẽ được đánh giá bởi người quản lý và nhóm công tác của đơn vị.
5. Đảm bảo rằng việc quản lý trang trại được thực hiện
theo kết quả tổng kết hàng năm một cách thích hợp, đầy đủ và có hiệu quả.
6. Đảm bảo rằng bất kỳ điều kiện nào ảnh hưởng đến
việc được xác nhận và các hoạt động điều chỉnh thông qua nhóm kiểm tra nội bộ
sẽ được thực hiện ở trang trại.
7. Đơn vị có thể từ chối hàng của những trang trại mà
qua kiểm tra thấy không thực hiện đúng theo yêu cầu đặt ra và không đạt tiêu
chuẩn.
- Điều 2:
Yêu cầu và trách nhiệm của nông dân
1. Để hàng hóa được nhận đóng gói, nông dân phải tham
gia vào nhóm sản xuất thanh long xuất khẩu.
2. Trách nhiệm trong trang trại của từng nông dân phải
rõ ràng và được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ.
3. Nếu có nông dân nào muốn tham gia vào chương trình
sau khi nhóm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn thì nhà đóng gói phải đảm bảo
rằng trang trại mới này đã đạt các tiêu chuẩn trước khi tham gia chương trình.
-
Điều 3: Hồ sơ ghi chép
Bên cạnh những hồ sơ ghi chép
theo yêu cầu của GAP, trang trại chịu trách nhiệm duy trì việc ghi chép các địa
điểm.
Danh sách và địa chỉ từng người
quản lý và hộ nông dân trong trang trại, ngày gia nhập vào nhóm được chứng
nhận.
-
Các
chi tiết về trang trại như vị trí địa lý, diện tích, cây trồng, ngày kiểm tra
để cấp chứng nhận.
-
Các
hồ sơ lưu trữ,
ghi chép của từng hộ và trang trại về các hoạt động trên đồng ruộng theo quy
định.
-
Hồ
sơ lưu trữ
phải thể hiện đã tiến hành kiểm tra nội bộ, bao gồm biên bản kiểm tra, các điểm
chưa đạt và những biện pháp điều chỉnh khắc phục.
-
Ngày
rút khỏi chương trình của trang trại, giải thích rõ lý do.
-
Việc
ghi nhận vào hồ sơ sẽ thực hiện theo từng giai đoạn thích hợp và ít nhất trong
vòng 2 năm.
-
Nông
dân chịu trách nhiệm chi trả tiền duy trì và kiểm tra theo thời gian được chứng
nhận.
- Điều 4: Bảo đảm tính bí mật
Các bên bảo đảm tính bảo mật các
thông tin, số liệu kỹ thuật, hồ sơ lưu trữ và mọi thông tin đối tác yêu cầu cần
phải bí mật. Các bên không được cung cấp bất kỳ thông tin hoặc số liệu nào cho
các đơn vị khác.
Người đại diện chịu trách nhiệm
cho nhà đóng gói:
Họ tên.......chức
vụ.......
Chữ ký
Đại diện nông dân chịu trách
nhiệm pháp lý:
Họ tên.........chức
vụ.......
Chữ ký
- Kèm theo bảng dự trù chi phí của
nhà đóng gói (vận chuyển, kiểm tra, đóng gói, bảo quản, hồ sơ, lưu trữ, quản
trị nhân sự...)
_______________________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Bộ Nông Nghiệp và
Phát triển nông thôn, 2002. Quy định
tạm thời về sản xuất rau an toàn - Quyết định số 116 ngày 4-12-2001.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2008. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ồ Việt Nam - Quyết định số 49/2008,
ngày 27-3-2008 và số 76/2008 ngay 25-6-2008
3. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, 2009. VietGAP và các quy định sản xuất rau, quả, chè an
toàn. Nhà xuất bản Nông nghiệp, 158 trang.
4. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, 2010. Qui trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho lúa. Quyết định số 2998/ QĐ-BNN-TT ngày 09 tháng
11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn.
5.
EUREPGAP, Wikipedia,
2011. The íree encyclopedia. GAPS
accessed Online.
6.
Hajar Baghasa, 2008. European System Related
to Good Agricultural Practice
(EUREPGAP), NAPC Researcher, Policy Brief No 26, With the support of Project
GCP/SYR/006/ITA. Food and Agriculture Organization of the United Nations, Ministry
of Agriculture and Agrarian Reform, Cooperazione Italiana.
7.
Jan Buurma and Joom
Pol Saranark, 2006. Supply- chain development for
íresh ữuits and vegetables in Thailand. Chapter 10 in Agro-food chains and
networks for development, page 119-127. LEI, Wageningen ưniversity and Research centre,
p.o Box 29703, 2502 LS, Den Haag, The Netherlands, email: Jan.buurma@wwr.nl. Department
of Agriculture, Thailand.
8. Lương Đức Phẩm, 2005. Vi sinh vật học và vệ sinh an toàn thực phẩmỆ
NXB Nông nghiệp, 421 trang.
9.
Nguyễn Mạnh Chinh,
2008. Sổ tay trồng rau an toàn. NXB
Nông nghiệp, 155 trang.
10. Trung tâm Khuyến nông Quốc
gia, 2010. Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 5-2010 - Chuyên
đề sản xuất lúa theo GAP. NXB Nông nghiệp, 467 trang.
11. Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, 2007. sổ tay sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP. NXB Nông
nghiệp, 403 trang.
12.
Wibulwan Wannamolee,
2008. Development of Good
Agricultural Practices (GAP) for Fruit and Vegetables in Thailand. Seminar
Organized 14-23 July 2008 at Sheraton Subang Hotel & Towers, Kuala Lumpur,
Malaysia.