KỸ THUẬT NUÔI BÒ SỮA
I. GIỐNG
:
A. CHỦNG LOẠI GIỐNG :
1). Bò lai Sind
:
Lai tạo từ bò Vàng địa
phương với bò Red Sindhi từ rất lâu, bắt đầu từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ với
mục đích chính là nâng cao tầm vóc phục vụ cày kéo. Bò Lai Sind cho sữa tốt hơn
bò Vàng nhưng vẫn chỉ đủ nuôi con ; tuy nhiên nhờ khả năng thích nghi tốt nên
sử dụng làm bò nền để lai tạo với các giống bò sữa cao sản. Con cái trưởng
thành nặng khoảng 350 kg, con đực khoảng 450 kg. Bò lai Sind
thường có màu nâu xậm, u và yếm phát triển, tai to và cụp, phần ống chân và
chóp đuôi thường có màu đen.
2). Holstein
Friesian (bò Hà Lan) :
Có
nguồn gốc từ Hà Lan, có khả năng thích nghi khá rộng nên được nhiều nước trên
thế giới ưa chuộng. Bò Hà Lan có sắc lông lang trắng đen ; con cái trưởng thành
nặng từ 500 - 600 kg, năng suất cho sữa rất cao, trung bình có thể đạt 6.000 kg
trong chu kỳ cho sữa 10 tháng. Tinh giống bò Hà Lan ở nước ta được nhập từ khá
nhiều nước (Canada , Mỹ, Pháp , Cuba ,
Hàn Quốc…).
3). Jersey :
Có
nguồn gốc từ Anh, vóc bò tương đối nhỏ, con cái trưởng thành nặng khoảng 350 -
450 kg. Bò Jersey có sắc lông vàng nhạt, đặc điểm riêng là mắt to, lộ và sống
mũi gãy. Năng suất sữa thấp hơn bò Hà Lan, chỉ khoảng 4.500 - 5.000 kg/chu kỳ,
nhưng có tỷ lệ béo trong sữa cao (4,5 - 5,4%). Thích nghi khá tốt vớivùng nhiệt
đới.
4). Brown Swiss :
Có
nguồn gốc từ Thụy S, vóc bò khá lớn, con cái trưởng thành có thể nặng từ 600 -
700 kg. Bò Brown Swiss có sắc lông nâu nhạt hoặc chuyển sang xám, đặc điểm
riêng là phần lông tai trong và quanh mũi thường có màu trắng. Thích nghi khá
tốt với vùng nhiệt đới.
B. ĐỊNH HƯỚNG LAI TẠO :
Định hướng ứng dụng
giống bò sữa ở nước ta là sử dụng bò lai Sind
địa phương làm đàn bò cái nền và cho gieo tinh nhân tạo với các giống bò sữa
cao sản; trong đó, giống chủ lực là Holstein Friesian (bò Hà Lan).
Con lai thế hệ đầu tiên
F1 (Hà Lan x lai Sind) sẽ có 50% máu bò Hà Lan; bò lai F1 thường có màu lông
đen, không u, khả năng thích nghi tương đối tốt, năng suất sữa bình quân 10 lít
/ngày. Nếu sau đó phối tiếp giống bò Hà Lan với bò lai F1 sẽ cho con lai F2 với
75% máu bò Hà Lan ; con lai F2 thường có màu lang trắng đen, năng suất cho sữa
cao hơn con lai F1và nếu tiếp tục sẽ cho con lai F3 với 87,5% máu bò Hà Lan ;
con lai F3 có tỷ lệ lông trắng nhiều hơn nữa vì mang tỷ lệ cao máu bò Hà Lan,
năng suất cho sữa của bò lai F3 thường rất cao (15 kg sữa/ngày hoặc cao hơn
nữa). Như vậy, bò lai các thế hệ càng về sau sẽ cho năng suất sữa càng cao ;
tuy nhiên, khả năng thích nghi lại kém dần. Do vậy, trong điều kiện chăn nuôi
chưa đạt các tiêu chuẩn chặt chẽ về chuồng trại, chăm sóc thì chỉ nên nuôi đến
con lai F1, F2 ; còn với các nơi đảm bảo các yêu cầu quản lý thì có thể nuôi
con lai F3 hoặc cho lai với các giống Brown Swiss, Jersey .
Hầu hết nguồn tinh giống
bò sữa hiện nay đều có chất lượng tốt ; do đó, yêu cầu quan trọng đầu tiên
trong việc lai tạo là chọn lựa bò cái lai Sind phải thật tốt để đảm bảo các thế
hệ lai sau nầy đạt yêu cầu. Thông thường, bò cái nền lai Sind
cần có trọng lượng tối thiểu là 250 kg và tốt nhất là đã đẻ một lứa để tránh
tình trạng đẻ khó.
C. CHỌN GIỐNG :
Chọn bò cái nền lai Sind gieo tinh lần đầu hoặc bò lai F1, F2 gieo tinh tiếp
cần dựa theo các tiêu chuẩn sau :
1). Ngoại hình :
Các đặc điểm ngoại hình
thể hiện phẩm chất giống của bò cái tốt bao gồm : Đầu thanh, cổ nhỏ và dài vừa
phải, miệng lớn, lưng rộng và không võng, phần thân sau phát triển hơn phần
trước. Mông nở và ít dốc xuống, lồng ngực to và sâu. Da mỏng, lông thưa, bốn
chân cứng cáp và thẳng, hai chân sau không choải ra cũng không chụm vào, không
chạm kheo, bộ móng ngắn và đều.
Bầu
vú to, nở và mềm (vú da), ngược lại không chọn bò có bầu vú cứng, da dày, kém
đàn hồi (vú thịt). Bốn núm vú to vừa phải và đều, không quá dài hay quá ngắn,
không có núm tắt. Hai thùy vú sau to hơn hai thùy trước. Tĩnh mạch bụng to,
dài, tĩnh mạch vú nổi rõ và nhiều.
Không nên quan tâm đến
màu lông, đốm, khoáy (sái) vì không liên quan đến năng suất.
2). Ưu điểm sinh trưởng, sản xuất :
Chọn bò đang cho sữa có
năng suất sữa cao và kéo dài, tính tình hiền lành, dễ vắt sữa, tạp ăn, ít bệnh,
lên giống đều đặn, rõ và khả năng đậu thai cao.
Chọn bò hậu bị có tốc độ
tăng trưởng tốt (thông thường bò 1 năm tuổi có trọng lượng tối thiểu 200 kg),
không chọn bê cái sinh đôi cùng bê đực (do đa số trường hợp nầy mắc tình trạng
vô sinh).
3). Nguồn gốc :
Chọn con từ bò mẹ có quá
trình sinh trưởng, thích nghi tốt và cho sữa cao, đều.
Đối với tinh giống, cần
tìm chọn nguồn cung cấp có chất lượng tốt và phù hợp với mục tiêu lai tạo.
D. PHỐI GIỐNG :
Tùy theo điều kiện nuôi
dưỡng và đặc điểm giống ; độ tuổi thành thục sinh dục và lên giống (động dục)
lần đầu của bò cái tơ rất biến động, bò lai Sind có thể lên giống sớm ở độ 12
tháng tuổi, còn bò sữa F1, F2 thường vào lúc 16 - 18 tháng tuổi. Tuy nhiên,
nguyên tắc chung là nên bỏ qua 1 – 2 lần lên giống đầu và chỉ nên phối giống
cho bò trên 16 tháng tuổi ; thể trạng phát triển tốt (không quá mập cũng không
quá ốm), như bò lai Sind cần đạt trọng lượng tối thiểu là 200 - 220 kg thì việc
phối giống, mang thai và đẻ con sau nầy mới tốt.
Chu kỳ lên giống ở bò
trung bình là 21 ngày (dao động từ 18 - 23 ngày phụ thuộc vào giống, điều kiện
nuôi dưỡng, khí hậu ... ) ; nếu nuôi dưỡng quá kém có thể bò không lên giống
hoặc lên giống không đều, không rõ.
Thời gian lên giống của
bò thường kéo dài trong 2 - 3 ngày với các biểu hiện khởi đầu là giảm ăn, âm hộ
nở, hơi đỏ, có dịch nhờn chảy ra đóng thành vệt và dễ phát hiện vào ban đêm khi
bò nằm ; bò đang cho sữa nuôi con sẽ giảm cho sữa trong ngày lên giống. Tuy
nhiên, ngay khi vừa lên giống với các hiện tượng như trên chưa phải là thời
điểm thích hợp để phối giống mà cần chờ đến lúc dịch nhờn chảy ra đặc quánh lại
thành dây ; âm hộ sưng đỏ nhiều hơn thì cho phối là thích hợp nhất. Thông
thường, dấu hiệu nầy xuất hiện từ 18 - 36 giờ sau khi bắt đầu lên giống. Trong
khoảng thời gian nầy có thể phối cho bò tơ sớm hơn bò rạ và nếu có điều kiện
nên phối kép (hai lần vào chiều ngày hôm trước và sáng ngày hôm sau hoặc sáng -
chiều trong cùng ngày) thường cho tỷ lệ đậu thai cao hơn. Nếu để trôi qua thời
gian nầy, âm hộ bò đã teo lại thì không nên phối vì đã muộn, khả năng đậu thai
thấp. Do vậy, cần căn cứ theo chu kỳ lên giống để dự kiến ngày bò lên giống
nhằm chủ động chuẩn bị.
II. DINH DƯỠNG VÀ THỨC ĂN :
A. Thành phần dinh dưỡng – thức ăn :
Nhu cầu dinh dưỡng của
bò cũng như các loại vật nuôi khác gồm rất nhiều chất ; có loại cần nhiều có
loại cần ít ; nhưng yêu cầu chung là đầy đủ và cân đối. Nguồn dinh dưỡng cho bò
được cấp qua thức ăn và một số chất bổ sung trong nước uống hoặc đường tiêm. Có
thể phân chia các loại thức ăn theo chức năng dinh dưỡng cho bò như sau :
1). Thức ăn chứa nhiều xơ (hay gọi là thức ăn thô)
:
Bao
gồm các loại cỏ, rơm, thân đậu, thân lá bắp, đọt mía, dây lang, rau muống, các
loại rau, củ, quả ... đây là thức ăn căn bản cho bò do dựa vào đặc điểm tiêu
hóa riêng của loài nhai lại có khả năng chuyển hóa thức ăn xơ nhờ hệ vi sinh
vật trong dạ cỏ. Do đó, nên cho bò ăn tự do hoặc nếu có định lượng thì phải bảo
đảm tỷ lệ thức ăn thô chiếm tối thiểu 60% nhu cầu chất khô trong khẩu phần. Tùy
theo thể trạng và giai đoạn sản xuất, trung bình một bò cái sữa có thể tiêu thụ
20 -30 kg cỏ + 3 - 5 kg rơm mỗi ngày. Đối với bò sữa, nếu thiếu thức ăn thô
thường làm giảm tỷ lệ chất béo trong sữa.
2). Thức ăn chứa nhiều chất bột đường :
Bao gồm các loại cám,
các loại hạt ngũ cốc, hèm bia, khoai mì, khoai lang… ; số lượng sử dụng chiếm
khoảng 30% nhu cầu chất khô trong khẩu phần để bổ sung nguồn năng lượng, tích lũy
mỡ, duy trì khả năng cho sữa cao và ổn định. Trong các trường hợp nuôi thiếu
thức ăn thô và sử dụng quá nhiều thức ăn có chứa chất bột đường sẽ làm mất cân
bằng tỷ lệ giữa các loại vi sinh vật trong dạ cỏ của bò dễ dẫn đến các bệnh ở
chân, móng (như bệnh bầm tím móng).
3). Thức ăn chứa nhiều đạm :
Bao gồm các loại bột cá,
đậu nành, bánh dầu phộng, bánh dầu dừa… Do bò có khả năng chuyển hóa tạo chất
đạm từ nguồn thức ăn xơ nên nhu cầu cung cấp thức ăn chứa nhiều đạm cho bò so
với các loại vật nuôi khác thường ít hơn ; tuy nhiên, nếu thiếu đạm sẽ làm bò
tăng trưởng chậm, lên giống trể và không ổn định, sức đề kháng kém và năng
suất, chất lượng sữa đều giảm.
4). Nhóm thức ăn bổ sung :
Có vai trò cung cấp các
chất vitamin, khoáng, men, một số axít amin, axít béo cần thiết thường thiếu
hoặc chỉ có ít trong các loại thức ăn thông thường. Các chất nầy chiếm tỷ lệ
rất thấp trong khẩu phần (chỉ khoảng 5 - 7% trong khẩu phần) nhưng không thể
thiếu do có chức năng giúp chuyển hóa các thành phần dinh dưỡng khác, giúp cân
bằng các hoạt động sinh trưởng, sản xuất sữa và duy trì, tăng cường sức đề
kháng bệnh cho bò.
Các loại thức ăn bổ sung
thường dùng như bột vỏ sò, bột xương để cung cấp các chất khoáng calci (vôi),
phốtpho (lân) ; muối ăn để cung cấp natri, các chế phẩm hỗn hợp dùng pha trộn
trong thức ăn, nước uống (gọi chung là prémix) hay đá liếm thì cung cấp các loại
khoáng khác. Còn các loại sinh tố (vitamin) được cấp qua các hỗn hợp prémix hay
các chế phẩm dạng tiêm.
B). Chế biến thức ăn :
Thức ăn nuôi bò sữa cần
cân đối giữa thức ăn chứa nhiều chất xơ (gọi chung là thức ăn thô xanh) - thức
ăn chứa nhiều chất bột đường và đạm (gọi chung là thức ăn tinh) - thức ăn bổ
sung. Trong đó, thức ăn thô nên cho ăn tự do (ước tính khoảng 8 – 10% so với
trọng lượng bò), thức ăn bổ sung thì cấp đều đặn hàng ngày và thức ăn tinh thì
định lượng theo thể trọng bò lúc không cho sữa ; khoảng 0,8 - 1% trọng lượng ;
và định lượng theo năng suất sữa trong giai đoạn vắt sữa với cách ước tính đơn
giản nhu cầu hàng ngày như sau : Nếu bảo đảm cung cấp cho bò đủ khẩu phần thức
ăn thô thì có thể giúp bò cho 5 lít sữa mỗi ngày, từ lít sữa thứ 6 trở đi thì
cứ mỗi lít cần cho ăn thêm 0,5 kg thức ăn tinh ; ngoài ra, phải bổ sung thêm 1
kg thức ăn tinh cho nhu cầu duy trì phát triển của bò mẹ. Ví dụ : một bò sữa
cho 16 lít/ngày thì lượng thức ăn tinh cho ăn là : (16 lít - 5lít ) x 0, 5 kg +
1 kg = 6,5 kg. Trường hợp thiếu thức ăn thô thì phải bù thêm 20% thức ăn tinh
trong khẩu phần ; dù vậy, tốt nhất vẫn phải đảm bảo đủ nguồn thức ăn thô để bò có
chất lượng sữa cao, ổn định và có hiệu quả kinh tế hơn.
Như
vậy, thức ăn nuôi bò cơ bản là các loại thức ăn thô ; còn thức ăn tinh giữ vai
trò bổ sung. Trong thực tế có rất nhiều cách sử dụng thức ăn tinh tùy theo quy
mô nuôi, khả năng đầu tư, điều kiện về thực liệu pha trộn ở địa phương. Do đó,
tài liệu nầy chỉ giới thiệu một số ứng dụng căn bản về thức ăn tinh.
1). Chế
biến thức ăn tinh :
Có
thể dùng các loại thực liệu dễ tìm, giá rẻ để tự pha trộn tại nông hộ. Một số
cách pha trộn có thể tham khảo như sau :
+
Khẩu phần 1 :
Thành phần pha trộn
|
Tỷ lệ pha trộn (%)
|
Cám gạo, tấm, bắp
|
40
|
Khoai mì lát
|
30
|
Bánh dầu
|
20
|
Rỉ mật
|
5
|
Bột xương, vỏ sò
|
3
|
Muối ăn
|
0,5 - 1
|
Premix vitamin, khoáng
|
1 - 1,5
|
+
Khẩu phần 2 :
Thành phần pha trộn
|
Tỷ lệ pha trộn (%)
|
Bắp xay
|
20
|
Cám và bã khoai mì
|
50
|
Bánh dầu, hèm bia
|
25
|
Mật đường
|
10
|
Bột xương, vỏ sò
|
3
|
Muối ăn
|
0,5 - 1
|
Premix vitamin, khoáng
|
1 - 1,5
|
Trong
trường hợp sử dụng thuần một loại thức ăn bao bán sẳn hoặc chủ yếu chỉ pha trộn
hai loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường và thức ăn chứa nhiều đạm thì có thể
tự chế thêm hỗn hợp “bánh dinh dưỡng” để cấp thêm chất khoáng cho bò. Thành
phần làm bánh dinh dưỡng có thể thay đổi ít nhiều tùy theo nguồn nguyên liệu ;
có thể tham khảo công thức như sau :
Thành phần pha trộn
|
Tỉ lệ pha trộn (%)
|
Mật đường
|
30 - 40
|
Urê
|
3 - 10
|
Xi - măng
|
5 - 10
|
Hỗn hợp khoáng (premix)
|
1 - 3
|
Cám gạo
|
30 - 40
|
Vôi
|
5 - 10
|
Muối ăn
|
1 - 3
|
Cách pha chế bánh dinh dưỡng theo
trình tự thao tác như sau :
+ Trộn urê với rỉ mật và
khuấy thật kỹ để urê tan hoàn toàn ;
+ Trộn tiếp và đều các
phần vôi, xi-măng, muối, hỗn hợp khoáng ;
+ Cho cám vào thau hoặc
chảo lớn, rồi đổ hỗn hợp vừa trộn kể trên vào hòa đều cho đến khi thành dạng dẽo mịn ;
+ Cho hỗn hợp đã trộn
vào khuôn ép (khuôn có thể làm bằng gỗ hoặc bằng sắt để tạo thành khối), mỗi
khuôn có dung tích từ 3 - 5 kg là phù hợp ;
+ Để bánh trong khuôn 1
- 2 ngày, sau đó đổ ra và có thể đem cho bò ăn ngay. Nếu sản xuất nhiều, cần
giữ ở nơi khô ráo để sử dụng lâu dài (thường có thể giữ khoảng 3 tháng).
+ Lưu ý không cho bê
dưới 6 tháng tuổi dùng bánh dinh dưỡng vì có thể gây ngộ độc.
Trong điều kiện chăn
nuôi quy mô lớn, thiếu lao động cho việc mua và pha trộn thức ăn thì nên sử
dụng thức ăn tinh đã chế biến đóng bao sẳn ; các loại thức ăn nầy tuy chi phí
có cao hơn cách tự trộn nhưng chất lượng tốt, ổn định, dễ bảo quản và tiện lợi
sử dụng. Tuy nhiên cần lưu ý chọn đúng loại dành nuôi bò sữa ; không nên sử
dụng thức ăn dành cho các loại vật nuôi khác.
Về định lượng thức ăn
tinh thì trước tiên cần đảm bảo cung cấp đủ thức ăn thô ; kế đến có thể ước lượng
thức ăn tinh mỗi ngày bằng cách tính theo sản lượng sữa như trên. Lưu ý thức ăn
tinh các loại đều nên cho ăn ở dạng khô sệt, không nên hòa nước.
2). Chế
biến thức ăn thô :
Cỏ,
rơm có thể dùng cho ăn trực tiếp không qua chế biến ; tuy nhiên, cần lưu ý
không nên cho ăn cỏ, rơm quá ướt vì lượng nước nhiều làm cho bò no sớm nhưng
chưa hấp thu đủ chất khô dinh dưỡng và có thể gây khó tiêu, chướng hơi dạ cỏ.
Tốt nhất là cỏ mới cắt về cho phơi nhẹ rồi mới cho ăn. Ngoài ra, các loại cỏ
thân cứng như cỏ voi, lông tây… cần cắt ngắn từng đoạn 10 - 15 cm để bò dễ ăn
hơn, nếu có điều kiện băm giập thì càng tốt.
Nhằm
tăng giá trị dinh dưỡng của cỏ, rơm nên áp dụng môt số cách chế biến như sau :
+ Ủ rơm với urê :
Nhằm lợi dụng hệ vi sinh
vật trong dạ cỏ bò chuyển hóa thành phần nitơ (N) trong urê trở thành nguồn đạm
dinh dưỡng cho bò ; đồng thời, quá trình ủ còn làm rơm mềm giúp bò dễ tiêu hoá
hơn. Có thể ủ rơm trong hộc ủ bằng xi - măng, gỗ, tre có lót kín vải nhựa ở các
thành và đáy, hoặc có thể dùng túi vải nhựa để ủ. Thông thường với thể tích hộc
1m x 2m x1,3m có thể ủ được 200 kg rơm khô với tỉ lệ thực liệu gồm mỗi 100 kg
rơm khô thì tưới 100 lít nước pha với 4 kg Urê (do đó gọi là uy trình ủ rơm urê
4%). Nếu là rơm ướt thì giảm lượng nước còn khoảng 70 lít.
Trình tự ủ rơm urê như
sau : Cân 10 kg rơm rải đều vào hộc hoặc bao vải nhựa ; pha 400 gram urê trong
thùng tưới với 10 lít nước rồi tưới đều lên rơm. Sau đó, dùng chân dậm nén rơm
càng chặt càng tốt, nhất là ở 4 góc hộc, hố. Cứ thế, tuần tự làm lớp thứ 2, thứ
3 cũng với tỷ lệ rơm, nước, urê rôi dậm nén như trên cho đến khi đủ 100 kg rơm.
Sau cùng, dùng vải nhựa phủ và ém kín trên mặt ; 7 -10 ngày sau có thể cho bò
ăn. Khi thấy trên rơm có một lớp mốc trắng, rơm có màu vàng hơi sậm thì đó là
bình thường, nhưng nếu có mốc xanh, xám đen thì phải hủy bỏ. Khi rút rơm cho bò
ăn cần nhớ tiếp tục đậy kỹ hố ủ lại ngay. Lưu ý do rơm ủ urê có mùi khai (khí
amoniac) nên lúc đầu bò ăn ít hoặc không chịu ăn nên phải tập cho bò ăn từ ít đến nhiều trong khoảng 3 - 5 ngày. Sau đó,
bò sẽ quen và rất thích ăn. Không nên cho bê dưới 6 tháng tuổi dùng rơm ủ urê
vì có thể gây ngộ độc.
+ Ủ cỏ chua :
Là cách trữ cỏ bằng cách
ủ chua trong môi trường yếm khí nhẹ. Cỏ voi và các loại cỏ thân cứng thích hợp
hơn để ủ hơn các loại cỏ mềm.
Cách làm hố ủ tương tự
như ủ rơm với urê, hố ủ có thể làm trên nền đất và lót vải nhựa phần đáy và
thành hố ; hố ủ có kích thước 1,2 m x 1,6 m và sâu khoảng 1 m đủ để ủ 1 - 1,2
tấn cỏ. Để có được một mẻ cỏ ủ tốt cần phơi cỏ hơi héo trước khi ủ ; bổ sung
thêm 1-2% muối để tránh cỏ bị quá chua.
Trình tự thực hiện như
sau :
+ Lót một lớp rơm dầy
khoảng 10 cm ở phần đáy hố ;
+ Cỏ được cắt ngắn từng
đoạn 10 – 15 cm, cho vào hố thành từng lớp dầy 20 – 30 cm (cứ một lớp cỏ rải
đều một lớp muối), rồi đầm nén thật chặt, chú ý đầm nén kỹ ở 4 góc, cứ thế tiếp
tục sang các lớp kế tiếp (mỗi lớp đều đầm nén kỹ) cho đến khi lớp cỏ chất cao
vượt mặt hố khoảng 30 cm. Cuối cùng, phủ lên mặt cỏ một lớp vải nhựa rồi lấp
tiếp lên trên mặt vải nhựa nầy một lớp đất mỏng. Cần làm mái che mưa để tránh
nước thấm vào.
+ Sau khoảng 10 - 15
ngày, có thể lấy cỏ cho bò ăn. Khi rút cỏ cần lấy lần lượt từ đầu nầy sang đầu
kia và từ trên xuống dưới. Lưu ý hạn chế mở rộng miệng hố và khi rút cỏ xong
thì đậy miệng hố lại ngay để tránh không khí xâm nhập vào quá nhiều có thể làm
hư cỏ (cỏ bị thâm màu).
+ Cỏ ủ tốt thường có màu
vàng xanh như dưa cải, có mùi thơm dễ chịu, vị không đắng, không chua gắt, không
có nấm mốc. Nếu ủ không kín hoặc quá ẩm
thì cỏ có mùi hôi, màu sậm, đóng nhớt ; nên hủy bỏ mẻ ủ nầy.
+ Đá liếm :
Trong khẩu phần của bò
các lứa tuổi đều cần đầy đủ các chất khoáng ; kể cả cho nhu cầu của vi sinh vật
trong dạ dầy bò phát triển. Trong đó, các chất khoáng vi lượng như : đồng, sắt,
kẽm, cô-ban, ma-nhê, man-găng, sê-len … thường thiếu hoặc không cân đối. Do đó,
cần cung cấp thường xuyên cho bò các chất khoáng nầy mà biện pháp hữu dụng với
chi phí thấp là sử dụng đá liếm.
Đá liếm có thể tự chế
bằng cách đùn ép bằng khuôn như bánh dinh dưỡng để tạo thành khối cứng gồm các
thành phần : vôi, xi-măng, đất sét, mật đường, bột xương… và treo trong chuồng
(ngang tầm miệng bò) để bò tự liếm. Tuy nhiên, hiện nay đã có bán các loại đá
liếm được pha trộn với đầy đủ, cân đối các chất khoáng hơn so với cách tự chế
và còn được sản xuất riêng theo nhu cầu khoáng của bò sữa ở các giai đoạn sản
xuất ; vì vậy, nên sử dụng loại đá liếm được sản xuất công nghiệp nầy.
C. Trồng cỏ :
Hiện
nay có rất nhiều loại cỏ dùng chăn nuôi bò ; tuy nhiên, trong điều kiện chăn
nuôi phổ biến là không chăn thả trên đồng cỏ mà chủ yếu là cắt chuyển về cho ăn
tại chuồng nên cần lựa chọn loại cỏ thích hợp theo cách nuôi nầy. Tùy theo loại
cỏ, nếu trồng thâm canh 1 ha cỏ thì đủ nuôi 25-30 bò.
Về
nguyên tắc, bò được nuôi bằng nhiều loại cỏ thì tốt hơn cho ăn một loại duy
nhất ; đồng thời, không nên chuộng cho bò ăn cỏ quá tươi (nhiều nước) mà nên
phơi nhẹ rồi cho ăn sẽ tốt hơn. Riêng ở nơi nuôi quy mô lớn cần chủ động dự trữ
cỏ khô, rơm khô trong mùa nắng.
Phổ
biến nhất hiện nay là các giống cỏ voi, cỏ ruzi … ; đặc biệt ở nơi chân đất
xấu, thường bị ngập nước hoặc nhiễm phèn có thể trồng các loại cỏ bắp nước (mồm
mỡ) hay cỏ lông. Cách trồng một số loại cỏ phổ biến như sau :
1). Cỏ Ruzi :
Thuộc loại cỏ thân bụi
bò, sinh trưởng mạnh vào mùa mưa và cần nhiều nắng, năng suất khá cao. Thích
hợp làm đồng cỏ chăn thả, thu cắt ăn tươi và đóng bánh cỏ khô dự trữ.
Cỏ Ruzi có thể trồng
quanh năm nếu có điều kiện tưới. Thông thường, vụ chính là trồng vào đầu mùa
mưa.
Đất trồng cần được cày
sâu 20 - 25 cm, nếu trồng bằng bụi thì cần bừa kỹ, san phẳng, dọn sạch cỏ dại,
rồi làm hàng trồng cách khoảng 50 x 50 cm. Nếu trồng bằng hạt có thể rạch hàng
cạn 5 - 8 cm, hàng cách hàng 40 x 40 cm. Hoặc gieo trên liếp đến khi cây được
15 - 20 ngày tuổi nhổ cây con đem cấy.
Bình quân lượng phân cần
bón cho một ha trong cả năm là : 15 - 20 tấn phân chuồng ủ hoai + 200 - 250 kg
súp-pe lân + 100 - 150 kg kali + 450 - 500 kg urê. Trong đó, toàn bộ phân
chuồng dùng bón lót sau khi rạch hàng. Các loại phân khác được chia đều cho các
đợt bón thúc và sau mỗi lần cắt.
Nếu trồng bằng hạt thì
cần lượng giống từ 10 - 15kg/ha khi gieo theo hàng và chỉ cần 5 - 6 kg nếu ương
trên líp sau đó nhổ cấy. Nếu trồng bằng bụi thì cần 3-4 tấn/ha. Nên chọn cách
trồng bằng bụi để tiết kiệm hơn. Bụi hom được đặt theo từng cụm 3 - 4 bụi cách
nhau khoảng 15 - 20 cm và dựa vào thành rãnh có góc xiên khoảng 40 độ với lòng
rãnh. Sau đó, lấp đất kín 2/3, chừa lại 1/3 trên mặt đất và dậm nhẹ để tránh
khô hom. Sau 10 - 15 ngày kiểm tra và trồng dặm.
Sau
khi trồng được 15 - 20 ngày thì nhổ cỏ dại và bón thúc. Đến 50 - 60 ngày tuổi
có thể cắt thu đợt đầu, các đợt thu sau cách khoảng 45 ngày. Năng suất mỗi đợt
bình quân có thể đạt 20 - 25 tấn/ha.
2). Cỏ Sả :
Thuộc loài cỏ thảo, thân
bụi, sinh trưởng mạnh, năng suất khá cao. Có hai loại : cỏ sả lá lớn và lá nhỏ
; loại lá lớn cho sinh khối cao (200 - 250 tấn/ha/năm), thích hợp cho ăn tươi
hoặc ủ ; loại lá nhỏ năng suất thấp hơn (180 - 200 kg/ha/năm) nhưng chịu hạn,
bóng râm và dẩm đạp tốt hơn. Cỏ sả dễ trồng nhưng không chịu ngập úng.
Cỏ Sả có thể trồng quanh
năm nếu có điều kiện tưới. Thông thường, vụ chính là trồng vào đầu mùa mưa.
Đất trồng được cày sâu
20 - 25 cm, bừa kỹ, san phẳng và dọn sạch cỏ dại. Nếu gieo hạt thì đất cần được
xử lý thật tơi xốp, gieo đều theo hàng và lấp qua một lớp đất mỏng. Nếu trồng
bằng bụi thì đặt theo hàng có độ sâu từ 5 - 10 cm, hàng cách hàng 40 x 40 cm.
Đặt các cụm giống cách nhau khoảng 40 cm và dựa vào thành rãnh, ngã về cùng một
phía và thẳng góc với lòng rãnh. Sau đó, lấp đất kín phân nửa độ dài thân
giống. Lượng phân cho một ha trong môt năm và cách bón tương tự như cỏ
Ruzi.
Nếu trồng bằng hạt thì
cần lượng giống từ 5-6 kg/ha, nếu trồng bằng bụi thì cần 5 - 6 tấn/ha ; bụi cỏ
dùng làm giống được cắt bỏ phần lá ngọn, chừa phần gốc còn lại khoảng 25 - 30
cm, giủ sạch đất bám rễ và cắt bỏ các phần rễ già ; các bụi trồng cần có 3 - 4
nhánh tươi.
Sau khi trồng 15 ngày,
thân mầm xanh sẽ mọc. Khi đó, có thể xác định nơi cần trồng dặm và kết hợp làm
sạch cỏ dại rồi bón thúc. Đến 45 ngày tuổi có thể cắt thu đợt đầu, các đợt thu
sau cách khoảng 35 ngày, cắt chừa phần gốc khoảng 6 - 10 cm. Năng suất mỗi đợt
bình quân có thể đạt 20 - 25 tấn/ha.
3). Cỏ Voi :
Thuộc loài cỏ thảo, thân
cứng có lóng, sinh trưởng rất mạnh nên cho năng suất cao. Cỏ voi thích hợp cho
ăn tươi hoặc ủ, phù hợp chân đất cao ráo nhưng chịu hạn kém và không chịu ngập
úng.
Cỏ Voi có thể trồng
quanh năm nếu có điều kiện tưới. Thông thường, vụ chính là trồng vào đầu mùa
mưa.
Đất trồng được cày sâu
20 - 25 cm, bừa kỹ, san phẳng và dọn sạch cỏ dại. Chủ yếu trồng bằng hom và đặt
theo hàng có độ sâu từ 15 - 20 cm, hàng cách hàng 60 x 60 cm.
Bình quân lượng phân cần
bón cho một ha trong một năm là : 15 - 20 tấn phân chuồng hoai mục + 250 - 300
kg súp-pe lân + 150 - 200 kg kali + 450 - 500 kg urê . Lượng phân có thể gia
giảm tùy theo chân ruộng tốt xấu. Toàn bộ phân chuồng dùng bón lót sau khi rạch
hàng. Các loại phân khác được chia đều cho các đợt bón thúc và sau mỗi lần cắt.
Hom trồng được chọn từ
thân cỏ có độ tuổi 60 - 80 ngày trồng. Hom được chặt vát với độ dài 30 - 35 cm
để có được 3 mắt mầm. Mỗi ha cần khoảng 8 - 10 tấn hom. Hom được đặt theo lòng
rãnh và gối đầu nhau ; sau đó lấp kín hom ở
độ sâu 6 - 10 cm. Thông thường sau 10 - 15 ngày trồng, mầm cỏ bắt đầu
nhú lên khỏi mặt đất. Vào thời điểm nầy có thể xác định nơi cần trồng dặm kết
hợp với làm sạch cỏ dại. Khi cỏ được 20 - 25 ngày, bón thúc khoảng 100 kg
urê/ha. Đến 60 ngày có thể cắt thu đợt đầu và quan sát khi cỏ tái sinh lá mới
thì tiếp tục bón thúc lân, urê, kali.
Nếu chăm sóc tốt và bón
phân đầy đủ thì cách khoảng 45 ngày có thể cắt thu ; bình quân thu được 30 - 35
tấn/ha/đợt ; một năm có thể có 7 - 8 đợt thu hoạch và thu trong 2 - 3 năm. Khi
cắt cần chừa phần gốc cao khoảng 5 cm và cắt sạch không sót lại cây mầm để đợt
sau cỏ mọc đều.
4). Cỏ Lông :
Thuộc họ hòa bản, đa niên,
thân cứng, bò ngang hoặc đứng ở phần trên, lá nhám hẹp và dài. Tái sinh bằng
hạt hoặc phần thân bò, khả năng tái sinh rất mạnh. Thích hợp đất ẩm, chịu phèn
khá. Có thể trồng quanh năm, thích hợp trồng vào đầu mùa mưa, phù hợp chân đất
trũng, đất ven bờ kênh mương.
Đất trồng chỉ cần bừa,
dọn sạch cỏ dại, hom đặt sâu độ 5 - 10 cm và theo hàng (25 x 25 cm) ; tuy
nhiên, khi xuống giống đất cần thật ẩm.
Nhu cầu phân bón bình
quân cho một ha trong cả năm là : 10 - 15 tấn phân chuồng hoai mục + 200 - 250
kg súp-pe lân + 100 - 150 kg kali + 350 - 400 kg urê. Lượng phân gia giảm tùy
theo chân ruộng tốt xấu. Cách bón phân tương tự như các loại cỏ nêu trên.
Chọn hom trồng từ thân
cỏ có độ tuổi trên 2 tháng. Hom được cắt thành đoạn dài 30 - 40 cm hoặc để
nguyên cả thân cỏ. Chỉ cần cần lấp hom sơ qua sau khi đặt. Nhu cầu giống cần 3 -
5 tấn/ha.
Sau khi trồng được 20 - 25
ngày, bón thúc urê và sau 60 ngày có thể cắt thu đợt đầu ; sau đó bón thúc lân,
urê, kali. Nếu bón phân đầy đủ thì cách khoảng 45 ngày có thể cắt thu ; một năm
có thể có 7 - 8 đợt thu hoạch và kéo dài trong nhiều năm. Khi cắt chừa lại gốc
cao khoảng 5 - 10 cm để mau tái sinh.
5). Cỏ Bắp Nước :
Còn gọi là cỏ Mồm Mỡ,
thuộc họ hòa bản, đa niên. Trong tự nhiên, thường kết thành bè trôi nổi trên
mặt nước, các đốt có rể, thân xốp. Lá hẹp, dài, nhọn. Tái sinh bằng hạt và các
đoạn thân ; khả năng tái sinh rất mạnh. Thích hợp đất ngập nước liên tục như
ruộng bưng biền và có thể trồng dọc theo ao, kênh... Có thể trồng quanh năm với điều kiện đất ẩm
ướt nhiều, phù hợp chân đất trũng.
Đất trồng cần bừa và dọn
sạch cỏ dại, hom cỏ trồng chỉ cần đặt chạm đất và đặt theo hàng (25 x 25 cm).
Nhu cầu phân bón bình
quân cho một ha trong cả năm là : 10 - 15 tấn phân chuồng hoai mục + 200 - 250
kg súp-pe lân + 100 - 150 kg kali + 350 - 400 kg urê. Lượng phân gia giảm tùy
theo chân ruộng tốt xấu. Cách bón tương tự như cỏ Lông.
Hom
trồng được chọn từ thân cỏ có độ tuổi trên 2 tháng. Hom được cắt thành đoạn dài
30 - 40 cm hoặc để nguyên cả thân. Nhu cầu giống cần 3 - 5 tấn/ha.
Sau khi trồng được 20 - 25
ngày, có thể bón thúc urê và sau 60 - 70 ngày có thể cắt thu đợt đầu ; sau đó
bón thúc lân, urê, kali. Nếu bón phân đầy đủ thì cách khoảng 50 - 60 ngày có
thể cắt thu ; một năm có thể có 6 đợt thu hoạch và kéo dài trong nhiều năm. Khi
cắt chừa lại gốc cao khoảng 5 - 10 cm.
III. NUÔI DƯỠNG :
1). Giai đoạn mang thai :
Sau
khi phối giống và theo dõi không có hiện tượng động dục trở lại ở chu kỳ sau
thì có thể bò đã đậu thai. Thời gian mang thai trung bình của bò cái là 280
ngày (dao động từ 277 - 283 ngày)
Trong
giai đoạn mang thai thì ngoài phần thức ăn thô luôn cho ăn đầy đủ, nên bổ sung
thêm khoảng 1 - 1,5 kg thức ăn tinh hỗn hợp mỗi ngày tùy thể trọng bò trong 6
tháng đầu. Từ tháng thứ 7 trở đi, tăng lượng thức ăn tinh lên khoảng 2 - 2,5
kg/ngày , rồi đến tháng cuối thì tiếp tục tăng lên khoảng 3 - 5 kg/ngày ; đến
tuần cuối trước khi đẻ thì giảm dần lại. Trong quá trình tăng, giảm thức ăn như
trên cần thực hiện chuyển dần, không đổi đột ngột ; đồng thời không nên thay
đổi chủng loại thức ăn nhằm tránh các hiện tượng rối loạn tiêu hóa như tiêu
chảy và nặng hơn nữa sẽ gây ra bệnh chướng hơi dạ cỏ rất nguy hiểm. Giai đoạn
nầy bò cần nhiều các chất khoáng : vôi (Ca), lân (P), măng-gan (Mg), đồng (Cu),
cô-ban (Co), sê-len (Se) nên chú ý tăng tỷ lệ bột vỏ sò, bột xương trong thức
ăn tinh hoặc sử dụng chế phẩm hỗn hợp như Vetophos, premix khoáng, Kulactic,
Betamix, Vitamix… pha trong thức ăn, nước uống hoặc treo đá liếm trong chuồng
thường xuyên để cung cấp các chất khoáng khác.
Thường
xuyên tắm chải bò, 2 tháng trước khi sanh nên xoa bóp bầu vú hàng ngày để giúp
bò quen dần với cảm giác bú sữa của bê và thao tác vắt sữa sau nầy. Tắm chải
cho bò 2 lần mỗi ngày, vào những ngày nắng nóng, có thể tắm cho bò 3 lần/ngày.
Bò
gần đến ngày đẻ cần nhốt riêng nơi yên tĩnh, tránh va chạm, chen lấn để tránh
cấn thai. Dự kiến thời gian bò đẻ để chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện cần
thiết.
2).
Giai đoạn đẻ :
Bò
sắp đẻ có biểu hiện quần ổ như cắn rơm, cắn chuồng, đứng lên nằm xuống không
yên hay quay đầu về phần thân sau, tiêu tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần một ít,
bầu vú căng và 4 núm vú căng bóng, mông sụp, âm hộ nở, dịch nhờn chảy ra đặc
sánh.
Khi
nước ối đã vỡ thì 15 đến 30 phút sau bò đẻ. Trường hợp bò đẻ bình thường thì sẽ
thấy 2 chân trước của bê con ra trước rồi đến phần miệng. Thời gian trung bình bò
đẻ không quá 1 giờ. Sau đó từ 3 - 6 giờ thì nhau ra ; khi đó, có thể bơm rửa và
dùng viên đặt tử cung như Aureomycine, Vagilox…để phòng ngừa nhiễm trùng âm
đạo. Nếu bò đã vở ối trên 1 giờ, bò rặn nhiều mà vẫn chưa đẻ được hoặc đã đẻ
nhưng quá 12 giờ vẫn chưa thấy nhau ra thì cần liên hệ thú y viên để can thiệp.
Sau
khi bò đẻ, cần cho uống nhiều nước, tốt nhất là pha nước ấm với một ít đường và
muối. Nên cho ăn thức ăn dạng sệt để dễ tiêu.
Tiếp
tục theo dõi thật kỹ tình trạng sức khỏe của bò mẹ ; nếu có sốt hoặc dịch hậu
sản có mùi hôi, kéo dài thì có khả năng nhiễm trùng tử cung cần điều trị tức
thời. Thường sau khi đẻ, bầu vú còn cứng nên vắt sữa còn nặng tay, sau 5 - 7
ngày bầu vú mềm dễ vắt hơn ; do vậy, cần thường xuyên lau bầu vú bằng nước ấm,
sạch để giúp vú mau mềm hơn và ngăn ngừa sưng viêm vú và gây nhiễm trùng cho bê
khi bú sữa.
Bê
mới đẻ cần dùng khăn sạch móc nhớt bên trong mũi, miệng và lau khô toàn thân.
Vuốt dây rốn ngược về phía bụng rồi dùng chỉ cột rốn cách gốc khoảng 10 cm, cắt
rốn và sát trùng bằng cồn i-ốt. Sau đó, cho bê vào ổ rơm đặt nơi kín gió.
Khoảng 15 - 30 phút sau bê đã có thể đứng được thì cho bú ngay sữa đầu (sữa đầu
có hàm lượng dinh dưỡng rất cao và có kháng thể phòng bệnh). Chú ý giữ ấm, sạch
để tránh các bệnh dễ xảy ra cho bê như viêm phổi, tiêu chảy, ký sinh trùng.
Có thể ước tính nhu cầu
sữa và số lần cho bê bú (bú bình) theo độ tuổi
như sau :
+ 4 ngày tuổi trở lại :
cho bú 4 - 5 lần/ngày ; mỗi lần khoảng 1 lít.
+ Từ 5 – 14 ngày tuổi :
cho bú 3 lần/ngày ; mỗi lần khoảng 1,5 lít.
+ Từ 2 tuần tuổi đến 2
tháng tuổi : cho bú 2 lần/ngày ; mỗi lần từ 2 - 2,5 lít.
+ 3 tháng tuổi : cho bú
2 lần rồi giảm dần xuống còn 1 lần ; đồng thời giảm lượng sữa còn 1,5 - 2
lít/lần song song với quá trình cho cai sữa.
Khi cho bê bú bình cần
cho uống ngay sữa vừa vắt vì còn ấm.
Bê độ 3 tuần tuổi đến 1
tháng có thể tập ăn. Lúc đầu cho bê liếm láp thức ăn tinh có chất lượng tốt (có
khoảng 16 - 18% đạm) cùng với một ít cỏ non phơi khô (nên dùng cỏ chỉ, cỏ
ruzi). Khi bê ăn được khoảng 200 gram mỗi ngày thì có thể giảm dần các cử bú để
bê thiếu sữa sẽ phải ăn thức ăn nhiều hơn. Tập ăn sớm sẽ thúc đẩy hệ tiêu hóa
của bê phát triển để có thể cai sữa vào độ 2,5 - 3 tháng tuổi.
Bê sau khi cai sữa có
thể cho ăn thức ăn thô tự do kết hợp khoảng 0,5 kg thức ăn tinh mỗi ngày rồi
tăng dần lên theo thể trọng của bê. Trong trường hợp chọn bê để lại làm giống,
cần tránh nuôi quá mập hoặc quá ốm vì có thể làm giảm sức phát triển mô tiết
sữa ở bầu vú sau nầy cho sữa không tốt ; đồng thời, cũng có thể ảnh hưởng xấu
đến khả năng động dục và đậu thai sau nầy.
3).
Giai đoạn nuôi con, vắt sữa :
Ngay
sau khi đẻ, lượng sữa chưa nhiều do bò mất sức nên sẽ ăn ít và giảm trọng. Sau
tuần lễ đầu lượng sữa tăng dần và đạt mức cao nhất vào lúc 6 - 8 tuần ; sau đó
thì ổn định và có khuynh hướng giảm dần từ tháng thứ 3 trở đi. Do vậy, các
tháng đầu tiên nầy cần cho bò mẹ ăn thật đầy đủ. Trong đó, lượng thức ăn tinh
cho ăn theo lượng sữa dự kiến đạt được cao nhất (có thể tính bằng cách lấy mức
sữa ở ngày thứ 10 cộng thêm 2,5 – 3 lít để ước mức sữa cao nhất và quy ra nhu
cầu thức ăn tinh cần thiết). Khi mức sữa đã ổn định thì cấp thức ăn tinh theo
lượng sữa vắt thực tế.
Nếu
nuôi dưỡng tốt, bò mẹ thường lên giống lại lúc 2 - 3 tháng sau khi đẻ ; tuy
nhiên, nên phối giống lúc 3 - 4 tháng sau khi đẻ để thể trạng bò phục hồi đầy
đủ.
Thông
thường, bò F1 có tỷ lệ máu bò Sind địa phương còn cao nên có tính ham nuôi con
nên chú ý khi tách bê khỏi mẹ sớm có thể làm giảm lượng sữa và thời gian cho
sữa ngắn lại ; vì vậy, khi nuôi bò lai F1 nên để bê con gần mẹ mỗi khi vắt sữa
và cũng giữ con theo mẹ lâu hơn bò F2, F3.
Về kỹ thuật vắt sữa có thể chia làm 3 kiểu :
·
Vắt
vuốt :
Dùng ngón cái và ngón
trỏ kẹp núm vú và vuốt từ gốc núm vú xuống dưới (đối với những bò có núm vú
ngắn).
·
Vắt kéo :
Núm vú được giữ giữa đốt
đầu tiên của ngón tay cái và các ngón khác ; từ đó, bóp mạnh đồng lúc với kéo
trượt ngón cái xuống dưới để đẩy sữa ra ngoài. Thao tác nầy cần thực hiện nhẹ
và khéo để tránh gây tổn thương các mô vú.
·
Vắt nắm :
Dùng ngón cái và ngón
trỏ giữ phần trên núm vú, còn lòng bàn tay và các ngón khác thì tựa vào phần
dưới núm vú. Khi co các ngón sẽ làm sữa dồn đến lỗ núm vú và ra khỏi bầu vú.
Đây là cách vắt tốt nhất.
Tuy nhiên, khuynh hướng
ứng dụng trong thời gian tới là nên sử dụng máy vắt sữa vì cho hiệu suất vắt
sữa tốt nhất và ngăn ngừa các trường hợp gây tổn thương, nhiễm trùng bầu vú.
4). Giai đoạn cạn sữa :
Một chu kỳ cho sữa của
bò cái thường là 10 tháng (lúc nầy bò có thể mang thai được 6 - 7 tháng) thì
cho cạn sữa nhằm giúp bò mẹ hồi phục thể trạng, giúp thai phát triển tốt và bò
mẹ có thể tiếp tục cho sữa tốt ở lần sau. Có hai cách cạn sữa :
·
Cạn sữa kéo dài :
Làm bò giảm tiết sữa
bằng cách giảm số lần vắt (từ 2 lần/ngày còn 1 lần/ngày rồi giảm tiếp 1 lần/2
ngày. Thực hiện thao tác nầy trong 7 - 10 ngày rồi ngưng vắt hẳn. Trong quá
trình nầy nên kết hợp các biện pháp thay đổi nơi vắt sữa, người vắt và giờ vắt.
Cách cạn sữa kéo dài tuy tốn thời gian nhưng thường tránh được hiện tượng viêm
vú và nên áp dụng cho bò lai F2, F3 vì có khả năng cho sữa cao và kéo dài.
·
Cạn sữa đột ngột :
Là cách giảm ngay một
lượng thức ăn xanh, cắt hẳn thức ăn tinh, cho uống nước hạn chế và ngưng vắt
sữa. Bò thiếu dinh dưỡng nên sản lượng sữa sẽ giảm ; tuy nhiên, nếu bò vẫn còn
căng sữa thì 1 - 2 ngày sau khi thay đổi chế độ thức ăn cần vắt lại một lần.
Cách cạn sữa nầy có thể gây viêm vú nên thường chỉ áp dụng cho bò lai Sind , bò lai F1 có năng suất sữa thấp.
Sau khi cạn sữa hoàn
toàn, cho ăn lại bình thường theo chế độ bò mang thai ở giai đoạn cận đẻ.
IV. CHUỒNG TRẠI VÀ DỤNG CỤ CHĂN NUÔI :
Nguyên tắc chung về bố
trí và xây dựng chuồng trại trong chăn nuôi là : tiếp nhận được nhiều ánh nắng
mặt trời vào buổi sáng - tránh mưa tạt, luồng gió lùa - thông thoáng - sạch -
khô ráo và đủ rộng cho bò vận động (nhất là trong trường hợp nuôi nhốt).
Các yêu cầu nầy cần thực
hiện càng chặt chẽ khi nuôi bò lai F2, F3 có tỷ lệ cao máu bò sữa gốc ôn đới
nên rất nhạy cảm với môi trường nóng, ẩm hay lúc thời tiết thay đổi đột ngột.
Ở nơi có diện tích rộng
thì nên làm thêm sân chăn thả thông với chuồng nuôi giúp bò vận động và giảm dơ
bẩn trong chuồng. Nếu không có điều kiện thì cũng nên dắt bò ra ngoài chuồng tự
do đi lại ở nơi có bóng mát mỗi ngày khoảng 2 - 4 giờ.
Diện tích chuồng cho một
bò cái khoảng 6 m2 ; bê dưới 6 tháng tuổi khoảng 1,5 m2 ;
bê trên 7 tháng khoảng 2,5 m2. Mái chuồng nên dựng cao khoảng 3 m để
thông thoáng và giảm nóng ; nền chuồng nên làm bằng xi - măng và có độ nhám vừa
phải để tránh trơn trợt và tiện làm vệ sinh ; nền chuồng có độ dốc (2 - 3%) về
phía mương thoát nước. Tùy theo điều kiện đất và quy mô đàn nuôi, có thể làm
kiểu chuồng 2 dãy rộng 10 - 12 m hoặc 1 dãy rộng 6,5 - 7m (độ dài tùy quy mô
nuôi).
Máng
ăn có thể đóng bằng gỗ, tre hoặc xây gạch riêng từng ngăn cho mỗi con ; kích
thước thông thường mỗi máng là : 0,9m x 0,7m x 0,6m. Máng uống thì có kích
thước nhỏ hơn : 0,7 m x 0,7 m x 0,6 m. Lưu ý phần đáy của máng ăn và máng uống
cần cao hơn nền chuồng (khoảng 10 cm). Duy trì việc vệ sinh máng ăn, máng uống
thường xuyên mỗi 1 - 2 ngày.
Nên
làm hố ủ phân hoặc ủ khí sinh học (biogas) để hạn chế ô nhiễm môi trường, diệt
mầm ký sinh trùng trong phân, tạo thêm nguồn khí đốt tại chổ hoặc dùng phân
nuôi trùn quế.
V.
PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP :
1).
Tụ huyết trùng (Toi) :
Nguyên
nhân gây bệnh do một loại vi khuẩn. Thông thường bệnh dễ bộc phát trong môi
trường chăn nuôi dơ bẩn, ẩm thấp, lạnh và bò nuôi dưỡng kém. Bệnh thường xuất
hiện ở bê trên 6 tháng tuổi và phát rất nhanh ; ở thể nặng thì chỉ trong 1 - 2
ngày có thể gây chết. Bò mắc bệnh bị sốt, mệt mỏi, bỏ ăn, không nhai lại, bụng
đầy hơi, niêm mạc ở mắt, mũi bị tụ huyết, chảy nhiều nước bọt, phần hầu đau do
sưng hạch hầu, thở khó, nuốt khó, thỉnh thoảng ho. Ban đầu đi phân bón, sau đó
chuyển sang tiêu chảy lẫn máu, nước tiểu vàng sậm và có thể có máu. Giai đoạn cuối,
bò chết trong tình trạng run rẩy, ngã vật, chân co giật, mắt trợn ngược, bụng
trướng to.
Bệnh
tích điển hình là tim, phổi, gan, ruột, thận đều sưng, tụ máu, màng bụng tích
nước vàng, có từng mảng xuất huyết dưới da.
Tuy
có thuốc kháng sinh đặc trị bệnh nhưng thực tế vẫn có giới hạn do bệnh thường
phát nhanh và kèm theo các bệnh kế phát. Do đó, cần chủ động phòng bệnh bằng
cách vệ sinh, sát trùng chuồng trại định kỳ, bảo đảm thức ăn, nước uống luôn
sạch và kết hợp chủng vắc-xin định kỳ 2 lần trong năm. Chủng vắc-xin lần đầu
cho bê lúc 6 tháng tuổi, còn bò cái mang thai thì nên chủng trong giai đoạn từ
tháng thứ 5 - 8.
Khi
phát hiện bò bệnh, có thể tiêm các loại kháng sinh như Gentamycin, Terramycin,
Septotryl, Sulfamerazin, Enro-Gentacol, Genta-Tylosin ... kết hợp với
Eucalyptus, Camphora ... trợ hô hấp ; Paracetamol, Analgin để hạ sốt và B
complex, C giúp tăng sức chống chịu. Trường hợp bò có biểu hiện chướng hơi dạ
cỏ thì cũng phải chữa triệu chứng nầy đồng lúc.
2). Lở mồm long móng (FMD) :
Nguyên nhân gây bệnh do
một loại siêu vi trùng (virus). Bò bệnh có triệu chứng mệt mõi, bỏ ăn, lông
dựng, sốt, miệng khô, lưỡi dày và khó cử động. Trong miệng, lợi, môi, lưỡi mọc
các mụn nước to như hạt bắp, 1 - 2 ngày sau thì mụn vỡ ra tạo thành vết loét
làm bò đau, không ăn được, chảy nhiều nước bọt như xà-bông. Ở các kẽ móng chân
cũng xuất hiện các mụn nước nầy rồi cũng rộp lên, bong ra và dễ bị nhiễm trùng
làm mủ, lở loét dẫn đến móng chân, đế chân sưng đau không đứng được, trong
trường hợp nặng dẫn đến long móng, sút móng. Ở bò cái, mụn nước có thể xuất
hiện ở bầu vú, núm vú và cũng gây ra các vết loét tương tự.
Không có thuốc kháng
sinh điều trị ; việc dùng thuốc kháng sinh hay sát trùng ở các vết loét chỉ là
ngăn ngừa nhiễm trùng kế phát nên hiệu quả thấp. Hơn nữa đây là loại bệnh
truyền nhiễm có khả năng lây lan rất rộng và mạnh. Do đó, chủ yếu là phải chủng
ngừa bằng vắc-xin định kỳ 2 lần trong năm. Chủng
vắc-xin lần đầu cho bê lúc 4 tháng tuổi, còn bò cái mang thai thì
nên chủng trong giai đoạn từ tháng thứ 3 - 8. Khi phát hiện bò có
triệu chứng bệnh thì phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để có biện pháp
xử lý thích hợp.
3). Bê tiêu phân trắng :
Do nhiễm giun đũa. Bê từ
15 – 90 ngày tuổi rất dễ nhiễm và có thể hiện chung là tình trạng lừ đừ, đầu
hay cúi xuống do đau bụng, lưng cong, đuôi cụp, bụng ỏng, lông xù, chảy nước
mắt có ghèn, nằm nhiều, biếng theo mẹ. Ban đầu đi phân bón lổn nhổn màu đen,
dần dần chuyển sang màu vàng sẫm, mùi rất tanh, giai đoạn cuối chuyển sang phân
trắng và rất lỏng.
Do nguyên nhân là ký
sinh trùng từ ngay trong môi trường chăn nuôi ; do vậy, cần giữ chuồng trại,
cũi nhốt bê thật sạch sẽ, không để bê uống nước bẩn. Kế đến, tẩy giun (thường
dùng piperazin) cho bê định kỳ một lần mỗi tháng trong suốt 3 tháng tuổi đầu.
Trường hợp nhiễm nặng có thể trị bằng các loại thuốc Ivermectin, Tetramisol,
Dovenix, Dectomax, Trime-Doxine, …
4). Chướng hơi dạ cỏ :
Do bò ăn quá nhiều cỏ
mốc, cỏ họ đậu, cỏ quá ướt, khi cho uống nước quá lạnh và ăn các loại thức ăn
đã lên men. Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa khi bò đang ăn rơm khô chuyển
sang ăn nhiều cỏ tươi hoặc do thay đổi thức ăn đột ngột hay dùng thức ăn kém
chất lượng. Ngoài ra, trường hợp bò bị bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi hay thể
trạng suy nhược cũng thường có hiện tượng chướng hơi.
Biểu hiện ban đầu của
chướng hơi là bò biếng ăn, không nhai lại, bụng bên trái căng to dần lên do
thức ăn lên men sinh hơi nhưng bò không thể ợ thoát hơi do nhu động dạ cỏ yếu
hoặc bọt khí lấp kín lỗ thượng vị, bò đứng lên nằm xuống rất khó chịu, thở khó
do phổi, tim bị chèn ép và chết trong tình trạng ngạt thở.
Từ các nguyên nhân gây
chướng hơi kể trên ; trước tiên, cần có chế độ nuôi dưỡng ổn định, chặt chẽ khi
sử dụng thức ăn thô, thức ăn tinh, nước uống, không nên chăn thả ăn cỏ tự
nhiên, nhất là lúc sáng sớm. Đồng thời, thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm.
Ở giai đoạn đầu hoặc khi bị nhẹ thì lấy nùi rơm hoặc giẻ bọc muối rang xát mạnh
liên tục vào 2 bên sườn và bụng ; nhất là ở phần hông bên trái cho đến lúc bụng
xẹp dần. Cho bò đứng trên nền dốc để phần thân trước cao hơn phần thân sau.
Kinh nghiệm dân gian dùng lá tía tô (một nắm lớn) giã nát + 50 gram muối ăn,
vắt lấy nước rồi hòa với 50 cc nước đun sôi để nguội cho bò uống có tác dụng
rất tốt. Có thể cho uống thuốc tiêu mặn (thuốc muối) pha 20 - 40 gram (khoảng 1
- 2 muỗng canh) vào 100 ml nước sôi để nguội rồi cho bò uống 2 lần/ngày hoặc
cho uống bia 250 - 500 ml/con.
Nếu bệnh nặng (bụng
chướng quá to và có dấu hiệu ngạt thở) thì phải dùng ống Trocart (trô-ca) hoặc
ống trúc nhỏ cắt vát nhọn để thông hơi trực tiếp. Dùng dao lam cạo một phần
lông bên lõm hông trái bò, sát trùng và dùng dao rạch một đường nhỏ rồi đâm
xuyên ống thông vào dạ cỏ khoảng 5 - 10 cm, cố định ống thông và rút lõi của
ống trocart ra từ từ (hoặc hé dần lổ thoát trong trường hợp dùng ống tre vát
nhọn) cho hơi thoát ra dần rồi mới mở rộng (để tránh gây sốc do áp lực hơi đột
ngột thoát ra quá lớn). Sau đó cố định ống thông để hơi tiếp tục thoát và khi
hơi đã yếu vẫn tiếp tục để ống thông trong khoảng 1 buổi rồi mới dừng và sát
trùng chổ thông bằng thuốc mỡ kháng sinh.
Trong quá trình xử lý và
sau đó vài ngày chỉ nên cho ăn cháo gạo, cháo cám có thêm ít muối và để bò ở nơi thoáng mát, khô sạch.
5). Viêm tử cung :
Do nhiễm các loại tạp
khuẩn lúc phối giống hoặc trong quá trình sinh đẻ, sót nhau, viêm âm đạo …
Trong điều kiện chuồng trại ẩm thấp, dơ bẩn hoặc thao tác, dụng cụ đở đẻ không
vệ sinh dễ dẫn đến viêm tử cung.
Bò bị viêm tử cung có
biểu hiện mệt mỏi, bồn chồn, nếu nặng gây sốt khá cao, bò hay quay đầu về phía
sau và rặn nhiều đến cong lưng, âm hộ sưng đỏ, chảy dịch nhầy trắng vàng, tanh
càng lúc càng nhiều và có thể lẫn mủ, máu.
Trước tiên cần ngăn ngừa
bằng việc thực hiện chế độ vệ sinh thật chặt chẽ trong chuồng trại, trong khi
gieo tinh và các khâu đở đẻ. Sau khi sinh, dù suông sẻ cũng nên đặt thuốc kháng
sinh dạng viên như Aureomycin, Bio-Vagilox... liều lượng 2 viên/lần/ngày liên
tục trong 3 ngày. Nếu bò bị viêm (dịch ra lợn cợn trắng, mủ) thì bơm rửa tử
cung bằng thuốc tím 0,1% hoặc nước muối 0,9%
1 - 2 lít /ngày trong suốt 3 - 4 ngày. Sau mỗi lần bơm rửa đợi cho nước
rửa chảy ra hết (bò rặn) rồi mới bơm Kana - Ampi (3 - 4 lọ pha với 30 - 50 ml
nước cất) hoặc Terramycin (20 - 30 cc) vào tử cung liên tục 3 - 4 ngày, đến khi
dịch ra trong thì bò đã khỏi bệnh. Tùy theo tình trạng có sốt hay không để tiêm
thêm thuốc kháng sinh và thuốc giảm sốt.
6). Sót nhau :
Thường gặp ở bò ốm yếu,
ít vận động hoặc do đã có viêm tử cung hay đẻ khó ở các lần sanh trước. Do đó,
nhằm hạn chế bò bị sót nhau, trước tiên cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cho bò
đang mang thai có điều kiện vận động đều đặn hàng ngày.
Khi sót nhau nhiều hay
ít đều có hiện tượng bò kém ăn sau khi đẻ, cho sữa ít và khi đã nhiễm trùng thì
dẫn tới viêm tử cung. Bò sau khi sinh 12 giờ mà vẫn chưa tống nhau ra hết thì
phải can thiệp. Nếu sót nhiều cần mời thú y viên để bóc nhau, nếu chỉ sót một
ít thì có thể tiêm Oxytocin hỗ trợ tử cung co bóp để tống nhau ra và dùng biện
pháp bơm kháng sinh như cách phòng trị viêm tử cung để ngăn chận trước tình
trạng nhiễm trùng.
6). Viêm vú :
Do chuồng trại dơ bẩn,
vệ sinh bầu vú trước và sau khi vắt sữa không tốt, hoặc núm vú hay bầu vú bị
xây xát dẫn đến nhiễm các loại tạp khuẩn và cũng có thể do kế phát từ viêm tử
cung, viêm âm đạo.
Có thể chia viêm vú làm
2 thể chính : viêm cấp tính và tiềm ẩn. Viêm cấp tính có triệu chứng dễ phát
hiện như bầu vú sưng nóng đỏ, bò phản ứng đau khi vắt sữa, sữa bị lợn cợn, có
thể lẫn máu hoặc mủ tùy theo thể nhiễm trùng. Viêm vú tiềm ẩn thì khó phát hiện
bên ngoài mà chỉ có thể kiểm tra qua sữa. Do đó, trong các trường hợp bò đang
nuôi con, cho sữa bình thường vẫn nên kiểm tra định kỳ bằng các phương pháp
giấy quỳ, CMT… (các phương pháp nầy rất dễ thực hiện vì chẩn đoán độ biến màu
và trạng thái lý tính của sữa khi gặp thuốc thử) ; từ đó, phát hiện sớm vú hoặc
thùy vú nào đã có viêm để xử lý sớm bằng kháng sinh.
Viêm vú nếu không phát
hiện và xử lý sớm sẽ rất khó điều trị ; do đó, phải chủ động ngăn ngừa trước
hoặc phát hiện thật sớm vì có ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và chất lượng sữa
; do đó, có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bê. Trên hết cần thực hiện chế
độ vệ sinh chặt chẽ ở chuồng trại, trước, trong và sau khi vắt sữa. Đồng thời,
điều trị kịp thời các trường hợp sót nhau, viêm tử cung.
Khi phát hiện bò bị viêm
vú ; nếu nhẹ có thể dùng các loại thuốc kháng sinh được sản xuất để bơm trực
tiếp vào vú qua núm vú như Mastijet-Fort, Super Mastikort, Bio-Neomas, Bio-Tetramas… hoặc dùng kháng
sinh bột như Kana-Ampi, Genmox, Pen-Strep pha nước cất để bơm đối với những
trường hợp bò viêm vú nhẹ. Khi bị viêm nặng thì ngoài việc sử dụng kháng sinh
như trên, cần tiêm thêm các loại kháng sinh như : Ampicilline, Kanamycin,
Sulfamerazin, Gentamycin, Tobramycine, Enrofloxacine, Codexin ... Trong quá
trình xử lý kháng sinh nên kết hợp dùng các loại thuốc trợ sức và vitamin để
tăng sức đề kháng cho bò.
7). Bệnh bại liệt trước và sau khi sinh :
Do giảm hàm lượng Calci
trong máu dẫn đến yếu xuơng ; bệnh
thường xảy ra cho bò sữa cao sản. Do đó, cần chủ động phòng ngừa trước bằng
việc sử dụng thường xuyên bột vỏ sò, bột xương trong khẩu phần thức ăn tinh,
kết hợp dùng đá liếm và cung cấp thường xuyên các loại premix chứa nhiều calci,
viatmin D như Bio-Tricalci Fort, Vetophos, Vitacalcium … Khi bò có hiện tượng
bại liệt thì cũng dùng các chế phẩm kể trên để trị ; nếu nặng thì phải cấp qua
đường tiêm các chế phẩm có chứa gluconat calci.
8). Ngộ độc thức ăn :
Một
số loại thức ăn có chứa các chất hại cho bò nếu cho ăn nhiều và thường xuyên có
thể gây ngộ độc ; như trường hợp khoai mì chưa phơi khô hay cho ăn thức ăn có nhiều
cao lương, vỏ khoai tây, khô dầu bông vải hoặc thức ăn nhiễm nấm mốc đều có thể
gây ngộ độc kéo dài như giảm sức đề kháng, thoái hóa gan, sẩy thai, … hoặc gây
ngộ độc cấp tính làm bò run rẩy, co giật, sùi bọt mép, nhịp thở và nhịp tim
nhanh, rối loạn và chết trong thời gian rất ngắn.
Trong
cách nuôi chăn thả ăn cỏ tự nhiên cũng cần lưu ý ngộ độc do ăn quá nhiều cỏ
bình linh, cỏ (hoặc nước ) nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
Cách
phòng ngừa là luôn sử dụng thức ăn chất lượng tốt, các loại thực liệu có khả
năng gây độc cần được xử lý nhiệt kỹ và sử dụng với tỷ lệ thấp. Không nên chăn
thả tự do ăn cỏ tự nhiên mà nên dành
diện tích trồng cỏ.